Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Bình bài thơ " Về quê ngoại"

         VỀ QUÊ NGOẠI
                  Lê Hùng.
Tôi được về thăm quê ngoại
Giữa một ngày thu mênh mang
Đường chan nắng bỗng mưa bất chợt
Lòng xốn xang-quê ngoại Nghệ An

           Quê ta đó cánh đồng muối mặn
           Chạy vút dài xen lẫn ao tôm
           Tiếng con nước rì rầm bờ đá
            Đoàn thuyền câu trong giấc ngủ êm
Trên đồi thông dãy dài mộ chí
Nằm bình yên bên giải Mai Giang
Con cháu xa vọng về tiên tổ
Giữa chiều thu ngào ngạt khói hương
          Lạch Quèn đó một thời đánh Mỹ
          Cô du kích năm xưa bỏm bẻm nhai trầu
         Đang hối thúc đàn cháu con ra đón
         Từ biển xa trở lại những thuyền câu
Ôi ! Bình minh trao quê ngày nắng đẹp
Cảng cá vui như ngày hội vào Xuân
Cá quẫy  mạnh hả hê trong ánh bạc
Mấy nàng thôn khoe giọng hát trong ngần
           Ơi quê ngoại xa mà gần như thế
           Mỗi lần đi lại thêm nhớ bần thần
           Sao quên được giọng mặn mòi xứ Nghệ
           Giữ trọn lòng ơn mẹ ngày năm .
                            Tiến Thủy-Quỳnh Lưu 2008


                             LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN XUÂN HIẾN

        Có một nhà thơ viết :" Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi /Cội nguồn ơi! Chiếc lá lại rơi về"
Sau những tháng ngày bận rộn lo toan với cuộc sống bộn bề, một ngày nào đó tạm gác lại công việc
để trở về miền quê đã từng gắn bó hoặc in đậm trong tâm trí ta, lòng không khỏi xốn xang, bồi hồi xao xuyến.
         Tác giả Lê Hùng một lần " Về quê ngoại" cũng mang theo tâm trạng đó để tiếng lòng ngân nga thành khúc hát. Mở đầu thông qua lời kể để bộc lộ cảm xúc :
                           Tôi được về thăm quê ngoại
                           Giữa một ngày thu mênh mang
                           Đường chan nắng bỗng mưa bất chợt
                           Lòng xốn xang - quê ngoại Nghệ An

        Câu thơ mở đầu chỉ là lời tâm sự chuyến hành hương về thăm quê ngoại, nhưng lấy đó làm nền để tác giả chuyển sang " ngày thu mênh mang". Dường như ở đây có cả không gian rất rộng, có lẽ cái "mênh mang" được khởi xướng từ tâm hồn anh khi niềm vui ngập tràn trong lòng. Tiếp theo là sự vật bên ngoài, thoắt ẩn, thoắt hiện " Đường chan nắng bỗng mưa bất chợt" .Đã từng đi qua và sống ở miền Trung mỗi khi đọc câu thư của nhà thơ Tố Hữu " Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình" tôi thấy người râm rấp nóng, bây giờ lại gặp  hình ảnh " chan nắng"  " bỗng mưa" mới thấy được ngầm ý  tác giả muốn biểu hiện sự khắc nghiệt về thời tiết nơi này. Tuy vậy niềm vui vẫn đến trong lòng như muôn ngàn đợt sóng đó là sự "Xốn xang" khi đặt chân lên quê ngoại và địa danh Nghệ An- mảnh đất giàu truyền thống cách mạng được nhắc đến .
         Quê hương đang ngày  một thay da đổi thịt, bởi vậy tác giả không khỏi tự hào và cất lên lời lời giới thiệu nghe thật hào sảng :
                              Quê ta đó cánh đồng muối mặn
                              Chạy vút dài xen lẫn ao tôm .
         Hai sản vật "muối" và " tôm" đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc,vì thế cụm từ "quê ta đó"vừa là niềm vui náo nức vừa là lòng kiêu hãnh không cưỡng nổi.Sau những phút giây thăng hoa trong tâm tưởng, tác giả trở lại cảm nhận sâu lắng để đem đến những nhận xét tinh tế :
                             Tiếng con nước rì rầm bờ đá
                             Đoàn thuyền câu trong giấc ngủ êm.
       Đó là khúc hát hay lời ru, đá và nước như có tâm hồn qua hai từ :"rì rầm" cũng như từ đây nó tạo nên hiệu ứng " Đoàn thuyền câu trong giấc ngủ êm " thật đẹp, thật lãng mạn nhưng cũng rất hiện thực vì sau một ngày lăn lộn với sóng gió, giờ thuyền neo đậu trong bến chìm vào trong giấc ngủ...
       Rồi những "dãy mộ chí " nằm trên " đồi thông" kề bên dải " Mai Giang" có con cháu làm ăn nơi xa "vọng về" với những người thân đã khuất để "Giữa chiều thu ngào ngạt khói hương" Chỉ hình ảnh này thôi, ta cũng cảm nhận được tấm lòng những người con đi xa " Thân cư hải ngoại tâm tại cố hương"và lòng thành kính biết ơn với ông cha, tiên tổ.
        Mạch thơ được nối tiếp với những địa danh, con người nơi đây đã trở thành nhân chứng của lịch sử :
                                   Lạch Quèn đó một thời đánh Mỹ
                                   Cô du kích năm xưa bỏm bẻm nhai trầu
                                   Đang hối thúc đàn cháu con ra đón
                                   Từ biển xa trở lại những thuyền câu.

      Nếu " Lạch Quèn" là địa danh của một thời chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ thì con người  "Cô du kích năm xưa" là nhân chứng sinh động. Vẫn ngồi đó " bỏm bẻm nhai trầu" các cặp  phạm trù đối lập : xưa-nay, cô du kích - bỏm bẻm nhai trầu, từ đó nói lên hai thái cực trẻ-già. Ta cảm nhận thêm phẩm chất sáng ngời của " Cô du kích" nói riêng và người dân xứ Nghệ nói chung : Anh hùng dũng cảm trong chiến đấu những ngày chiến tranh, nay hòa bình họ lại tích cực lao động sản xuất làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước.
          Ý thơ được tiếp tục phát triển với yếu tố trữ tình ngoại  đề và những nhận xét khiến hồn thơ bay bổng :
                                     Ôi! bình minh trao quê ngày nắng đẹp
                                     Cảng cá vui như ngày hội vào xuân
                                     Cá quẫy mạnh hả hê trong ánh bạc
                                     Mấy nàng thôn khoe giọng hát trong ngần.

        Thán từ " Ôi " vừa bộc lộ sự ngạc nhiên, vừa là tiếng reo vui trào dâng trong lòng khi cuộc đời mới khoác màu áo mới : Thiên nhiên có " bình minh" " nắng đẹp" có cá " hả hê"  . Cuộc sống có không khí đông vui tấp nập, đông vui, như lòng người đang náo nức "Cảng cá vui như ngày hội vào xuân", có nét đẹp nào hơn thế .! Ôi, yêu sao quê ta một thời bom đạn, một thời rộn rã vào xuân.
         Lúc này tôi cũng muốn như tác giả "Về quê ngoại" lắng nghe các cô thôn nữ  "khoe giọng hát trong ngần" bởi giọng hát đó sẽ mãi mãi ngân vang trong lòng, giúp chúng ta thêm yêu, thêm nhớ quê hương.
          Có một triết gia cho rằng :'" Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để đi về", Kết thúc bài thơ tác giả Lê Hùng cũng khẳng định điều đó :
                              Ơi quê ngoại xa mà gần đến thế
                              Mỗi lần đi lại thêm nhớ bần thần
                              Sao quên được giọng mặn mòi xứ Nghệ
                              Giữ trọn lòng ơn mẹ ngàn năm !
           Tiếng nói nội tâm giàu triết lý được anh cất lên từ trái tim nặng tình nghĩa với quê ngoại. Quả thật quê hương xa về khoảng cách nhưng gần về tâm tưởng, bởi vậy tôi rất đồng cảm  với nỗi nhớ " bần thần". Cũng  như tác giả Lê Hùng, nhà thơ Nguyễn Tiến Hưng trong bài " Tâm sự kẻ ra đi" có viết :
                                Nhớ về quê ngoại mà thương
                                Có cây mít ngọt như đường thoảng thơm
                                Bên hè vung ngọn cây rơm
                                Hương màu lúa chín, chén cơm trắng ngần .

         Vì nhớ nên không thể nào "quên được giọng mặn mòi xứ Nghệ" thật cảm động vì người đi xa bao năm vẫn nhớ giọng nói  quê nhà và chất " mặn mòi" mới là đặc trưng của mảnh đất Nghệ An, điều này khiến tôi nhớ mãi bài dân ca : " Muối ba năm muối đang còn mặn/Gừng chín tháng gừng vẫn còn cay/Đôi ta tình nặng nghĩa dày/Dù có đi xa ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa" chính điều này đã nuôi dưỡng tâm hồn những  người con xứ Nghệ.Câu thơ cuối bài :" Giữ trọn lòng ơn mẹ ngàn năm" như một lời thề son sắt.
        Bài thơ " Về quê ngoại" gồm sáu khổ, hai bốn câu, với lối hiệp vần, cách bộc lộ được mạch  cảm xúc dồn nén của tác giả.Với cách thể hiện hướng ngoại đan xen hướng nội, tác phẩm đưa ta đến với những địa danh đã đi vào huyền thoại, với cuộc sống, con người đang vững bước đi lên. Tính triết lý của bài thơ được đặt trong các cặp phạm trù đối lập. Không gian, thời gian, cuộc sống, con người, hiện lên rõ nét. Nhà thơ Lê Hùng đã đánh thức miền " Quê ngoại" trong tâm trí của những người con xa quê./. 
                                                                                                                           Hà Nội tháng 4/2014.




Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Bài thơ Xuân Bính Thân 2016

MỪNG XUÂN MỪNG ĐẢNG

Xuân về đất nước nở ngàn hoa
Vạn nẻo quê hương tụ một nhà
Nghị quyết soi đường vào kỷ mới
Toàn dân phấn khởi được thêm đà !


TRỞ LẠI VỚI ĐỜI

  Bỗng chốc khối U ở trực tràng
           Nghe rồi tâm trạng thật hoang mang
        Nửa đường đứt gánh sao cay đắng
       Giữa khúc trên đời thật trái ngang
 Gia đình chỗ dựa cùng bè bạn
   Thầy thuốc ra tay thật giỏi dang
Trở lại với đời bao ước vọng
                               Khao khát niềm vui  lại ngập tràn ! 
Các bạn học sinh khóa ĐCA56

Các bạn thơ Từ Liêm

Vợ chồng đại sứ Trần Trọng Toàn thăm tại gia đình

Bí thư Quận ủy Lê văn Thư, Chủ tịch UBND và cán bộ Quận Bắc Từ Liêm thăm tại gia đình

Chi họ Vũ Tứ Trưng-Vĩnh Tường -Vĩnh Phúc 
                              
       TỰ TÌNH XUÂN

 Căn bệnh ung thư án tử hình
Ai nghe bạo bệnh nghĩ mà kinh

Cuộc đời đang đẹp còn níu kéo
Gánh nặng yêu thương vướng bao tình
May mắn thuốc thầy chuyên môn giỏi
Ơn nhờ bè bạn với gia đình
Vượt qua gian khó đời thêm sáng
Xuân đến niềm vui bát ngát tình !
                                               1/2016


Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

            Ngày 21/12/2015, tại hội trường Bảo tàng lịch sử Quân đội 28 Đường Điện Biên Phủ -Quận Ba Đình Hà Nội đã diễn ra cuộc tiếp nhận các tư liệu của gia đình tôi hiến tặng Bảo tàng.
            Tham dự có Thiếu tướng Nguyễn xuân Năng và các cán bộ Bảo tàng ( cuộc gặp mặt này  là sự kết hợp việc tiếp nhận một số ảnh về quan hệ Việt-Mỹ do Hội hữu nghị Việt Nam -Hoa Kỳ trao tặng ).Về phía gia đình có các cô chú, các cháu  : Kim Dung-Hải Âu, Nguyễn Hòa-Cô Chiến, Hoàng Long-Hồng Sâm, Lê Toàn-Ngọc-Tuấn, Phạm Hồng Điệp, Lê thị Phương Thảo.
           Tư liệu mà gia đình tôi hiến tặng gồm : Cuốn sách "Bà mẹ anh hùng và những đứa con " .Ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Tạ thị Thi, 2 cuốn nhật ký của Liệt sỹ Lê Trọng Dũng, 4 lá thư từ chiến trường của Dũng ( 2 thư) và liệt sỹ Lê Viết Cường.
           Nhân dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016, Bảo tàng đã có quà và thiếp chúc mừng năm mới . Gia đình chúng tôi hết  sức cảm động và  chân thành cảm ơn lãnh đạo Bảo tàng lịch sử quân sự Việt nam !
Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi họp rất đáng nhớ đó.