Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG TẠ THỊ THI

             Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh
                         MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG TẠ THỊ THI

            Mặc dù đã từng đến nhà, song do đã đến từ lâu với lại khu vực này các ngõ cứ na ná giống nhau nên phải mất một lúc tôi mới tìm được nhà ông Lê  Hùng, con trai cả của Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Thi. Nhà của ông Lê Hùng ở trong khu tập thể Liên Đoàn Địa chất xạ - hiếm thuộc tổ dân phố số 2, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.
           Tại phòng khách và cũng là nơi làm việc của ông Hùng, bàn thờ của gia đình nằm chính giữa. Trên đó là di ảnh Bà mẹ việt Nam Anh hùng Tạ Thị Thi và chồng là cụ Lê Thế Sinh. Bên dưới là di ảnh của 2 Liệt sỹ chống Mỹ con của các cụ là Lê Trọng Dũng và Lê Việt Cường. Trong câu chuyên với tôi, ông Lê Hùng kể: Mẹ ông - cụ Tạ Thị Thi sinh năm 1918, nguyên quán tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Là con một gia đình mà cha là Tạ Bá Trì, dân làng thường gọi là Học Trì vì học giỏi, nhưng đi thi không đỗ, nên buồn chán theo anh đi thuyền buôn bán các tỉnh phía Bắc, Năm 1920 cụ đưa cả gia đình ra định cư tại làng Cam Giá, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ ông làm thầy dạy chữ Hán, được dân làng gọi là ông Đồ Nghệ, cụ bà làm nghề nấu bán nước mắm. Các cụ có 10 người con, Mẹ Tạ Thị Thi là con thứ 8. Lúc bé Mẹ cũng được học hành, nhưng do gia đình nghèo nên sớm lấy chồng, kết duyên với ông Lê Thế Sinh người làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Trải qua chế độ phong kiến, thực dân, cuộc đời của mẹ Tạ Thi Thi gắn liền với những gian truân vất vả. Sau khi hòa bình lập lại tại miền Bắc, Mẹ làm xã viên Hợp tác xã phấn viết học sinh Phùng Sơn ở địa phương. Mẹ luôn là người cần mẫn chịu thương chịu khó, giản dị tiết kiệm, hết lòng vì chồng vì con. Nhiều thời gian, chồng đi dạy học xa, mọi việc đều dồn lên đôi vai mẹ. Tuy vậy 8 người con của Mẹ (4 trai, 4 gái) đều được học hành đến nơi đến chốn. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt, cùng với hàng vạn thanh niên thời đó, lần lượt 3 con trai của mẹ là Lê Trọng Dũng, Lê Việt Cường và Lê Ngọc Toàn theo tiếng gọi của non sông lên đường nhập ngũ với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày tháng các anh chiến đấu ngoài mặt trận là những ngày Mẹ luôn mong ngóng tin con, hy vọng ngày các con trở về khi đất nước sạch bóng quân thù. Nhưng rồi lần lượt các anh Lê Trọng Dũng, Lê Việt Cường ngã xuống. Anh Lê Trọng Dũng hy sinh ngày 23 tháng 6 năm 1968 trong một trận giặc Mỹ ném bom vào đội hình của đơn vị tại bản Keng Luông, huyện Sê Pôn, tỉnh Xavanakhet (Lào). Anh Lê Việt Cường hy sinh ngày 8 tháng 6 năm 1973 tại mặt trận Tây Nguyên. Trong vòng 5 năm Mẹ lần lượt nhận tin các Anh hy sinh. Lòng mẹ đau như cắt từng khúc ruột...Đau buồn, thương nhớ các con khiến sức khỏe của Mẹ giảm đi trông thấy. Nhưng ý chí, nghị lực và niềm tự hào của người mẹ có con hy sinh vì đất nước đã khiến Mẹ mạnh mẽ hơn. Mẹ tiếp tục làm việc, cùng các con nuôi dạy các cháu nên người, tiếp tục sống để chứng kiến đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc sống đổi thay, các con, các cháu trưởng thành, phát triển. Mẹ vẫn thể hiện trách nhiệm cao với gia đình và với đât nước. Ngày 20 tháng 5 năm 2011, mặc dù tuổi cao, bệnh nặng Mẹ vẫn nhờ con cháu đưa đến điểm bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa 13 và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Niềm an ủi lớn đối với Mẹ những năm cuối đời là năm 2011, sau 15 năm tìm kiếm của người thân và dồng đội, Mẹ đã biết được nơi an nghỉ của Liệt sỹ Lê Trọng Dũng tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9 - Quảng Trị và hài cốt của Liệt sỹ Lê Việt Cường đã được đưa từ Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắc Tô (Kon - Tum) về quê hương, tại Nghĩa trang liệt sỹ Nhổn – Từ Liêm – Hà Nội . Điều mong mỏi lớn nhất của Mẹ sau khi các Anh hy sinh đã được thực hiện. Thế rồi ngày 27 tháng 1 năm 2012, Mẹ Tạ Thị Thi đã ra đi, hưởng thọ 95 tuổi. Việc ra đi của Mẹ là một tổn thất lớn đối với gia đình, nhưng tấm gương của Mẹ là bài học lớn về sự hy sinh, tính giản dị, sự cần cù, ý chí mạnh mẽ cho con cháu và cho tất cả chúng ta. Noi theo tấm gương suốt đời vì chồng, vì con và sự hy sinh của Mẹ cho đất nước, các con cháu của Mẹ đều cố gắng học tập, rèn luyện phấn đấu trở thành đảng viên. Nhiều cháu nội, cháu ngoại của Mẹ đã trở thành những Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ,
 Giảng viên Đại học, Kỹ sư, Bác sỹ, Nhà báo, Luật sư,,,
                  Ngày 1 tháng 12 năm 2014, Mẹ Tạ Thị Thi đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là sự ghi nhận hết sức ý nghĩa đối với công lao, sự hy sinh những gì quý giá nhất của Mẹ Tạ Thị Thi đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, là vinh dự lớn và là niềm vui chung của gia đình, họ hàng và nhân dân địa phương.
                                                                                  Nguyễn Duy Hạ
                 Trích bài của nhà báo Duy Hạ-Bài được đọc trên Đài phát thanh Quận Nam Từ Liêm ngày 6/5/2017


   
                     Cụ bà Tạ thị Thi bầu cử Quốc hội khóa 12 ( 20/5/2011)-Do Tổ bầu cử đêm thùng phiếu đến tận nhà giữa lúc cụ bị tai biến nặng.























Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Thơ Khải Hưng

Một vùng non nước mê say
Tháng ba chảy hội chùa Thầy nhé em
Mùa hoa gạo đỏ vừa nhen
Đã lan sang cả má em ửng hồng
In trên mặt nước hồ trong
Giải mây như một con rồng đang bay
Bồi hồi tay ấm trong tay
Trai chưa vợ Hội Chùa Thầy gọi tên
Gái soan mộng ước
Nhân duyên
Cứ hang Cắc cớ mà lên tìm chồng
Lung linh bảy sắc cầu vồng
Cứ như ở tận đáy lòng hiện lên
Cõi trần thoát tục thành tiên
Hội xuân xe thắm nhân duyên vợ chồng.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, cây, ngoài trời và thiên nhiên