Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Có một Phú Đô yêu thơ

Lễ hội làng bún Phú Đô

Vùng quê Phú Đô xã Mễ Trì cũng như bao làng quê khác trong Huyện Từ Liêm vốn là nơi giàu truyền thống văn học.Nhân dịp đầu Xuân mới, ngày 14-2-2009 , hội viên câu lạc bộ thơ thôn Phú Đô họp mặt để giới thiệu tập thơ “Hương Quê” mới được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Các vị trong Ban chấp hành câu lạc bộ thơ Việt Nam : Chủ tịch Bành Thông, phó chủ tịch Lê Hùng, Huệ Khanh, ủy viên thường vụ Bùi Đăng Sinh và ông Đặng Phú, Hoàng Quang trong Ban chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Huyện Từ Liêm đã đến dự.

Miền quê Phú Đô là miền quê của những người yêu thơ. Thật vậy, cái tên Phú Đô gợi cho ta hình ảnh một miền quê đậm đà hương vị nông thôn. Ngay nay, người ta nhớ tới Phú Đô không chỉ vì có sản vật nổi tiếng : ” Làng bún Phú Đô” mà Phú Đô còn đi vào thế giới thơ văn của thủ đô và cả nước với tập thơ “Hương quê” do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành trong tháng 12- 2008.
Câu lạc bộ thơ ca Người cao tuổi Phú Đô- xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm hoạt động liên tục đến nay đã tròn 10 năm ( 1998- 2008). Hội viên có trên 40 người là nhà nông, nhà giáo, CCB đã từng kinh qua 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương đất nước. Họ đang đóng góp vào hoạt động nhiều mặt trong địa phương, như công tác Đảng, MTTQ, Hội NCT, CCB, Hội CTD, hội khuyến học v…v…
Không chỉ giàu vốn sống để đóng góp cho công tác xã hội, mà trước sự năng động, phong phú của cuộc sống đang có nhiều đổi mới, nên nhiều người đã trào dâng cảm hứng, bật dậy thành thơ. Chính do đó, Phú Đô là nơi đầu tiên của xã Mễ Trì có một câu lạc bộ thơ ca thuộc chi hội NCT.
Trải qua 10 năm hoạt động, câu lạc bộ đã trình làng 17 số báo thơ, chữ viết đẹp, trang trí màu sắc phong phú, phục vụ các dịp kỉ niệm lịch sử, các ngày lễ hội, góp phần thiết thực vào cuộc xây dựng làng văn hóa của địa phương. Đến nay, CLB đã tập hợp được 5 tập thơ nội bộ, mỗi tập có hàng trăm bài.
Hương tới Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Chi hội NCT Phú Đô đã quyết tâm ra tập thơ ” Hương Quê-2008″.Tập thơ có 129 bài của 36 tác giả, 140 trang khổ 13×19, bìa in đẹp,nền nã, nổi bật trên nền xanh nhạt là hình ảnh ngôi đình làng Phú Đô mang nhiều dấu ấn lịch sử. Các trang thơ trình bày chữ chân phương, ảnh tác giả được giới thiệu trân trọng, có phần trích yếu nhẹ nhàng, gần gũi.
Ta gặp ở tập thơ những giọng thơ chân thành mộc mạc như con người vùng quê Phú Đô vốn có. Mỗi bài thơ đều mang nặng tâm tinh của những người giàu lòng yêu quê hương, yêu người, yêu đời. Luôn gắn với truyền thống quê hương.
Như CCB Nghiêm xuân Dịu tự hào với quê hương của mình, nơi có :
Miếu Hai Bà, đền Sa Đôi
Đã được tôn tạo gấp mười ngày xưa
.
Và đặc biệt sản vật truyền thống Phú Đô được tác giả giới thiệu trong bài : Bún làng ta.
Bún ngon bún dẻo, bún mượt mà
Bún giàu kĩ thuật bún làng ta
Tự hào kiêu hãnh nghề truyền thống
Biết ơn! ơn lắm phúc ông cha.
Tác giả Ngô thị Chắt đã vào tuổi 73, vui là gái làng quê :
Em là gái Phú Đô làng
Em đi bán bún trăng vàng theo ai.
Với người sỹ quan an ninh Trần Dũng Hà, năm 2007 đã vào tuổi 85 được nhận ” Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng” rất tự hào về quê hương mình đồng thờ có niềm vui thật trong sáng :
Sáu mươi tuổi Đảng, tám lăm xuân
Tuổi cao chí khí vẫn tuyệt trần
Hy vọng 70 năm tuổi Đảng
Tuổi đời đương độ 95 xuân !
Nhà giaó hưu trí Nguyễn Xuân Ngôn tự hào có ” cốm thơm – bún dẻo ” trên hết vì quê hương có những người con đã góp phần to lớn vào sự nghiệp Độc lập- Tự do của Tổ quốc :
Bao gương sẻ lửa chiến hào
Bốn hai liệt sỹ ghi vào sử xanh
Thương binh 14 các anh
Góp phần máu thịt xứng danh Tiên Rồng
Nhà giáo -lương y Nguyễn hữu Tá ngày ngày vẫn tận tụy công việc cứu người có rất nhiều tâm sự khi thăm nghĩa trang Trường Sơn, hoặc nhớ về mùa thu Cách mạng tháng Tám, riêng với quê hương ông dành những tình cảm và hồi tưởng thật đẹp :
Tuổi thơ lững thững theo cha
Mẹ ru dưới bóng tre ngà thiu thiu….
Thơm thơm gió nội hương đồng
Chuông chùa thả sóng ngân trong sương chiều
.
Trong nhiều bài thơ hay của tác giả Nghiêm Thản có bài ” Chợ quê ” nêu lên những hình ảnh tưởng như vùng quê xa xưa, nhưng sao vẫn thật gần gũi, mới mẻ, gợi cho những ai đã từng qua thời thơ ấu :
Mặn mà mấy lọ dưa cà
Món ăn dân dã đậm đà tình quê
Người quê mưa nắng dãi dề
Mớ tôm mớ tép đi về có nhau
Tác giả Ngô Thị Thậy mô tả chợ Xuân mà sao có sự khái quất đến xúc động:
Rừng hoa quấn quýt bên mình
Chợ xuân mang cả bóng hình nước non.
Tác giả Trần Tích Tuấn trong : Tâm tình người vác tù và. Làng tôi, Em gái làng nghề.. đều nói lên tâm tình với làng quê mình , với cây lúa. ruộng vườn:
Nhọc nhằn lắm lắm lúa ơi
Ta yêu cây lúa như đời yêu nhau.
Vì tình yêu quê hương nên tự nguyện làm người vác tù và hàng tổng, vì :
Đường đời quen trải nắng mưa
Việc làng việc nước sớm trưa nhiệt tình.
Cái nhiệt tình, luôn làm gương sáng cho thế hệ mai sau của người già thật đáng quý, thật giống như tác giả mô tả:
Tối ngày lặn lội lầm lì
Như cò như vạc thầm thì ăn đêm.
Mọi người hết lòng vì quê hương như bà Nguyễn thị Ty năm nay đã vào tuổi 80 nhắn nhủ:
Người con Mễ Trì với Phú Đô
Quê hương đang đổi mới từng giờ
Ai đó đi xa lòng có nhớ
Có một quê hương vẫn đợi chờ!
Và như chủ nhiệm CLB thơ ca Phú Đô – nhà giáo Vũ Ngọc Toàn trong bài ” Niềm say” dã nói lên ước vọng của lớp người đi trước :
Tre già ấp ủ mầm măng
Bụi lên xanh tốt vẫn hằng ước ao
Cho nên:
Người già ấp ủ niềm say
Tình nhà nghĩa nước vun đầy trước sau.
Gấp lại tập thơ Hương Quê ta sâu đậm thêm tấm lòng yêu thương quê hương của người Phú Đô đã trăn trở, nhọc nhằn và cũng tâm huyết mong cho làng quê ngày càng đổi mới, đẹp giàu và vang xa tăm tiếng.
Qua tập thơ mới càng hiểu hơn tấm lòng những con người luôn gắn bó, với quê hương. Cảm ơn những nhà thơ không chuyên Phú Đô đã giúp ta nói lên điều mà mọi người luôn mong muốn có một quê hương thanh bình và giàu đẹp, góp phần vào truyền thống anh hùng của Từ Liêm và Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét