Nhân dịp kỷ niệm 27/7/2013, tôi có nguyện
vọng được đi thăm mộ liệt sỹ tại Quảng Trị.Sau khi thu xếp công việc gia đình
và làm các thủ tục tại UBND xã và Huyện Từ Liêm, tôi và các em trong gia đình
đi tàu vào Đông Hà, thủ phủ tỉnh Quảng Trị.
Nơi đây với tôi có nhiều kỷ niệm, từ
những năm 1994, tôi đã cùng chú em Lê Ngọc Toàn, một chiến sỹ quân đội , đã
từng có những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trở về quê hương sau
ngày giải phóng, Toàn cũng đau đáu nỗi lòng mong muốn tìm mộ 2 người anh Lê
trọng Dũng-Lê Viết Cường đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chông Mỹ.
Năm 1994, hai anh em vào Quảng Trị nhờ xe
đi công tác của Liên đoàn địa chất 10 ( nay là Liên đoàn địa chất xạ-hiếm), đến
Đông Hà xe đi tiếp vào Quảng Nam và chúng tôi tìm cách đi lên Khe Sanh, Hướng
Hóa với niềm hy vọng tìm được mộ Dũng theo lá thư viết ngày 1/6/1968 của Dũng
kể lại trận đánh trong chiến dịch Khe Sanh-Làng Vây. Đi là đi với một niềm tin
khá đơn giản, “cứ đi là thấy”. Tuy nhiên, sau khi gặp các đồng chí ở Ban chỉ
huy Quân sự, Hội CCB huyện Hướng Hóa, Phòng chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh
Quảng Trị..chúng tôi mới biết việc tìm mộ liệt sỹ không dễ dàng.
Và từ đó, hàng năm, tôi đều có các văn
bản gửi các đơn vị cũ như Trung đoàn 7 Công binh, Binh Đoàn Tây Nguyên, Sở Lao
động-TBXH, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, Ban chỉ huy quân sự, Hội CCB
huyện Hướng Hóa, rồi cả Ban chính trị Quân khu 4, gặp các cán bộ cũ thuộc trung
đoàn 7 công binh là nơi Dũng từng sống, chiến đấu và hy sinh.Tất cả đều chỉ là
sự an ủi và hứa khi nào có thông tin sẽ
thông báo cho gia đình.
Năm 2005, tôi có dịp tiếp cận với các
đồng chí Sở Lao động –TBXH tỉnh Quảng Trị với lời giới thiệu về Nhà đón tiệp
thân nhân liệt sỹ 27/7, với Ban Quản lý Nghĩa trang đường 9 …Sau đó nhiều lần
đi lại tìm kiếm và năm 2009, sau nhiều lần gặp gỡ các đồng chí chỉ huy đơn vị
584 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, được các đồng chí xác nhận đã
chuyển hài cốt liệt sỹ Dũng ( và đồng đội của Dũng) từ một địa điểm thuộc Keng
Luông, huyện Sê Pôn, tỉnh Xavanakhet, Lào về Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường
9. tôi được lánh đạo Sở Lao động –TBXH quyết định công nhận mộ số 48, lô 14 ,
thuộc Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia đường 9 là mộ của liệt sỹ Lê trọng Dũng. Đó
là một ân huệ mà hồn thiêng các liệt sỹ đã phù hộ và được mọi người từ những
đồng chí, bạn bè Dũng, các cơ quan thuộc ngành địa chất, thuộc tỉnh Quảng Trị,
địa phương xã Xuân Phương và Huyện Từ Liêm, nơi gia đình tôi sinh sống đã giúp
đỡ để chúng tôi tìm được người em đã hy sinh vì đất nước.
Do hoàn cảnh có mẹ già yếu, lại bố trí
đưa mộ chú em Lê Viết Cường ( em Dũng) về nghĩa trang thành phố Hà Nội, nên
theo lời khuyên của bạn bè Quảng Trị, chúng tôi để chú Dũng nằm lại cùng đồng
đội,trên Nghĩa trang đường 9.
Từ
đây, gia đình chúng tôi hàng năm có dịp vào thăm viếng em tôi và các liệt sỹ
đang yên nghỉ tại nghĩa trang này. Chúng tôi coi nhà khách 27/7 tại số 113,
đường Lê Duẩn, thành phố Đông Hà, như nơi trở về quen thuộc. Nơi đó năm nào, dù
thời gian khác nhau, chúng tôi đều thấy không khí luôn bận rộn và tập nập, vì
các gia đình khắp các miền nhất là miền Bắc, miền Trung đều vào đây để được
giúp đỡ. Nhiều gia đình có con em mình nằm lại trên đất Quảng Trị, không chỉ
Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, mà còn ở nhiều nghĩa trang các huyện thuộc
tỉnh Quảng Trị. Có nhà có may mắn đã tìm thấy mộ, nhưng nhiều gia đình cũng chỉ
biết đi tìm. Dù như vậy, các đồng chí lãnh đạo Nhà khách như giám đôc Nguyễn
Minh Hoàn, phó giám độc Hoàng Chí, cùng các nhân viên Nhà Khách đều ân cần đón
tiếp và tận tình giúp đỡ.Không chỉ vì nghĩa vụ mà còn là tình cảm chân thành
đối với người thân của liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất quê mình.
Những ngày tháng 7 này, chúng tôi có dịp
chứng kiến cảnh bận rộn của nhà khách khi rất nhiều đoàn thân nhân gia đình từ
các tỉnh Tuyên Quang, Nam định, Thanh Hóa, Hà Nội vào thăm. Mặc dù, mấy năm
qua, Nhà khách được bố trí xây dựng thêm 50 phòng, trang bị đầy đủ cho 150
giường để đón khách, nhưng tháng 7 vẫn
trở nên chật chội, nhiều đoàn gia đình vẫn phải ở chung. Tuy vậy ai nấy đều cảm
thông và cùng chia sẻ. Hàng ngày các xe chở thân nhân đi thăm viếng các nghĩa
trang Trường Sơn, Đường 9 được bố trí rất khẩn trương, đều đặn.
Trên nghĩa trang đường 9, vào những ngày
này khá sôi động, nào là khai trương tu bổ đợt II, những thanh niên tình nguyện
thuộc tỉnh đoàn Quảng trị và nhiều cơ quan từ thiện, các nhà tu hành, phật tử
..đều có mặt để làm vệ sinh khu mộ, đặt những bó hoa, thắp hương tưởng niệm các
liệt sỹ. Tôi lại nhớ tới lời một sỹ quan quân đội có lần nói với tôi : anh cứ
để em anh lại đây có chúng tôi chăm sóc và cả nước sẽ luôn tưởng niệm các liệt
sỹ trong đó có em và các đồng đội của em anh. Không khí hôm nay khiến tôi cảm
nhận được tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đối với người đã khuất thật không
bao giờ phai nhạt.
Và nhà khách 27/7 đã trở thành một địa
chỉ quen thuộc, gần gũi của mọi gia đình liệt sỹ có con em nằm lại trên mảnh
dất Quảng Trị thân thương.!
Quảng Trị 24/7/2013