Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Bài thơ hay : Thời gian của Văn Cao , lời bình Nguyễn Hữu Quý

THỜI GIAN
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.
Xuân Đinh Mão 2.1987
Văn Cao
Lời bình của Nguyễn Hữu Quý:
Bài thơ này tác giả "Tiến quân ca" (Quốc ca Việt Nam) làm vào mùa xuân năm 1987. Một thi phẩm viết về thời gian, cái khái niệm quen thuộc gắn với chúng ta trong quá khứ, đến hiện tại và tương lai. Bài thơ cô đọng hàm súc mang những trải nghiệm cuộc sống thâm hậu của Văn Cao-một văn nghệ sỹ đa tài- của đất Việt mình.
Với Ông, thời gian là cái có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Cái được đo bằng thiên kỷ, thế kỷ, thập kỷ, năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây ấy trong bước đi vô tận của mình cũng đã kịp để lại “cảm giác” qua kẽ tay của một nghệ sỹ tài hoa. Thời gian qua kẽ tay. Bằng sự nhạy cảm “siêu đẳng” Ông đã nhận ra nhịp lưu hành của cái vô hình: thời gian. Và, bước đi của nó trong một cuộc đời nhanh lắm. Mới cất tiếng khóc oa oa chào đời hôm nào mà nay đã bước vào chặng thiếu niên rồi thanh niên, hoa niên và quay đi ngoảnh lại ta đã khô gầy tàn phai úa héo như chiếc lá cây sắp rời cành. Thời gian để lại dấu ấn trên ta với những đổi thay về thể xác, tâm hồn qua mỗi chặng đời tựa sự an bài không gì cưỡng được. Điều ấy, được diễn đạt ở bài thơ này thật giản dị với những thi ảnh, âm thanh không hề xa lạ cao siêu với chúng ta:
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như
tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn.
Mấy câu thơ cứ nặng dần, nặng dần xuống và bị chia cắt rời ra bởi lối xuống dòng bất chợt. Hình như có cái gì đó không được trôi chảy, hanh thông, nhẹ nhõm và biết đâu trong đấy còn những trắc ẩn chưa được giải bày. Thiên nhiên, cảnh vật, tâm hồn không còn xanh tươi, nhẹ nhàng như thuở nào nữa.
Những chiếc lá đã bị úa khô…Tiếng rơi của hồi ức khô khốc nặng nề như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn. Tiếng rơi kỷ niệm chẳng hề êm dịu nếu như không muốn nói rằng đó là tiếng rơi chát đắng của dĩ vãng xuống nền hiện tại cằn cỗi.
Nếu chỉ như thế, nếu cứ mãi mê đuổi theo những héo khô nặng nề dù có thật như thế thì chắc bài thơ không lưu lại trong ta được nhiều ấn tượng suy ngẫm đáng kể. Bởi, người đọc chắc cũng sẽ bị “chìm” theo tâm trạng phiền muộn và cái nhìn về thời gian cũng nhuốm sắc màu bi lụy. Người đọc, may ra chỉ chia sẻ cảm thông và có thể cùng ngậm ngùi về thế cuộc, về nhân tình với tác giả thôi.
Không, những tâm hồn thoáng đạt bao la, những tầm nghĩ lớn lao như Văn Cao không bao giờ dừng lại ở đó. Ông biết tôn vinh, nâng lên những nét đẹp, nguồn sáng, sự tươi tắn của cuộc sống mà trước hết là của nghệ thuật và tình yêu đích thực. Và, Ông biết rằng, còn con người thì sẽ còn sinh tồn những cái ấy. Triết lý nhân sinh, lãng mạn cuộc sống thêm lần nữa đã được Văn Cao viết lên bằng những hình ảnh lung linh:
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.
Thế chỗ những chiếc lá khô, lòng giếng cạn là những câu thơ còn xanh và những bài hát còn xanh cùng với đôi mắt em, đôi mắt của tình yêu đẹp đẽ, trong mát như hai giếng nước. Đôi mắt em như hai giếng nước, một sự ví von tuyệt vời; cái đẹp mát rượi sâu đằm nhưng cũng gần gũi thân thuộc làm sao. Đôi mắt ấy, tình yêu ấy sẽ tưới mát tâm hồn ta, sẽ giải thoát ta ra khỏi những héo úa khô khát cằn cỗi của cuộc sống.
Năng lượng thơ được giải phóng từ những hình ảnh, câu chữ đắc địa, ngỡ bình thường mà rất sâu sắc, dễ hiểu nhưng không nông cạn, triết lý nhưng không cần viện cao siêu rườm rà. "Thời gian" của Văn Cao, một thi phẩm “Ý tại ngôn ngoại”, tôi cho là thế!