Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Giới thiệu : Hương sắc Bắc Từ Liêm tập I

      Giới thiệu tập thơ : Hương sắc Bắc Từ Liêm tập I.
                                                       
Một tập thơ nhỏ nhắn, thanh nhã mang tiêu đề : “Hương sắc Bắc Từ Liêm” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, hoàn thành vào tháng 4/2016.vừa dịp chào mừng những ngày kỉ niệm lớn trong tháng 5 và bầu cử Quốc hội & HĐND các cấp.
         Có thể nói tập thơ Hương sắc bắc Từ Liêm tập I là món quà thiết thực, là tâm huyết và tấm lòng của những người yêu thơ và hoạt động văn hóa nghệ thuật quận Bắc Từ Liêm dâng lên những ngày lịch sử của đất nước .
         Càng đáng quý hơn là sự minh họa phong phú  với nhiều đề tài, nhiều thể loại, mang đậm đà mầu sắc, phong phú  ý tưởng thông qua 187 bài thơ của 44 tác giả đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ thơ VN Bắc Từ Liêm.
        Cũng xin nhắc lại, đây là tập thơ đầu tay của Câu lạc bộ thơ Quận Bắc Từ Liêm, sau một năm được Ban Giám đốc Trung tâm văn hóa Quận cho kiện toàn và hoàn chỉnh mới.
Trở lại nội dung tập thơ Hương sắc bắc Từ Liêm, như lời giới thiệu của Nhà thơ-Tiến sỹ- Phạm văn Trượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã nêu : Tập thơ mang nặng tình người, những cảm súc cởi mở và không kém phần sâu sắc, gợi thêm suy nghĩ cho người đọc.
       Chúng ta dễ dàng cảm nhận 1 điều thật sâu sa bởi những lời thơ chân thật, đậm đà tình yêu quê hương, đất nước, đất nước, gia đình, bạn bè, đồng đội.
       Đọc tập thơ,với 44 tác giả, 187 bài thơ, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh quê hương muôn mặt chiếm khá nhiều, với trên 50% tác giả chăm chút đề tài này, có người một bài, có người 2-3 bài, làm cho hương vị quê hương thật đa mầu đa sắc .
               34 bài của 22 tác giả, điều đó nói lên mỗi suy nghĩ, mỗi bước đi, mỗi người chúng ta đều gắn với quê hương hoặc một địa danh nào đó.
         Có một nhà thơ đã nói :
 Tình yêu đất nước quê hương
Bắt đầu từ chỗ yêu thương quê mình.
     Nhà thơ Trần Như Bảo cũng đồng cảm với ý nghĩ đó, ông nói :
                                      Dù ai đi đầu về đâu
                             Quê hương gốc cội  khắc sâu lòng mình
                                      Quê hương giàu nghĩa đượm tình
                               Bắp ngô củ sắn nuôi mình lớn lên.
          Nguyễn Đức Hiền, nhà thơ đất làng Cổ Nhuế đã giới thiệu quê hương mình với một tâm tình lắng đọng:
Tiếng thơ ru trẻ ngân nga.
Măng non mau lớn giúp bà sâu kim
          Đất Từ Liêm, nơi có biết bao di tích lịch sử, dù trải qua bao đời, đến nay vẫn là vị trí trung tâm của Thủ đô, đã từng nổi danh với “Mỗ,La,Canh,Cót tứ danh hương”, là “đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ” và như một câu thơ nổi tiếng đã đi vào lịch sử:
                                      Xưa Nguyễn Huệ đường dài chiến mã
                                      Ngưa dừng chân uống nước Nhuệ Giang.
                                      Lưu Vĩnh Phúc chém Tây Cầu Giấy
                                      Chắc khi qua Cầu Diễn rửa gươm vàng.
           và ai đã đọc ca dao Hà Nội, đều nhớ tới những câu :
                                      Khỏa chèo mình ngược bến Trèm
                                      Viếng Lý Ông Trọng hoa chen mái đình
                                    Giò Trèm ai gói xinh xinh
                           Nắm nem làng Vẽ đậm tình quê hương.
       Chính cái truyền thống đó đã nâng đỡ hồn thơ cho các nhà thơ Bắc Từ Liêm để có những sáng tác mới.
                   Nhà thơ Nguyễn Ngọc Khôi cũng đã nói lên nỗi lòng của những con người đất Thụy Phương :
Từ Liêm truyền thống tự hào
Đất lành chim đậu người vào khó ra
Văn minh giấy giữ lấy lề.
Gìò Trèm nem Vẽ tình quê đậm đà.
          Trong những bài thơ của các tác giả nêu trên, những câu thơ về đất nước quê hương mang một âm hưởng thiết tha, đầm ấm: Như trong bài thơ Hồn quê của tác giả Nguyễn thị Ngọc Mai :
                                Hương quê bay khắp xóm làng
                            Mùi rơm rạ báo mùa vàng ấm no
                                Cánh diều cưỡi gió chiều thơ
                          Tre xanh ôm cả giấc mơ thuở nào!
                 
       Tác giả Trọng Khoát, vào tuổi 85 rồi, nhưng khi đón xuân mới, vẫn thấy cái háo hức của  xuân quê hương:
Đồng lúa vụ chiêm bờ thẳng tắp
         Ruộng ngô trồng bắp bãi ngoài xa
         Nhà xây cao thấp vườn trong ngõ
          Câu đối nhỏ to dán trước nhà
           Cảnh thanh bình trên quê hương của tác giả Đỗ Đăng Lợi :
                             Khói lam chiều dàn mướp lá lên xanh
                     Có đôi bướm trắng nhởn nhơ vờn gió
                             Ngắm mái đình xưa-ôi đẹp quá
                Nghe tiếng chuông chùa thánh thót ngân.
          Khi đi dọc đất nước, nhiều cảnh đất, tình người khiến lòng ta say đắm. Hoàng văn Năm khi đến Hồ Ba Bể, đã thốt lên:
                             Ba Bể ơi ! Rất xinh tươi
                   Rừng cây xanh thẳm núi đồi hoang sơ
                             Say người say cảnh ngẩn ngơ
                   Bình minh chim hót thẫn thờ lòng ai !
          Về Đường Lâm Tiến sỹ Phạm văn Trượng đã cảm khái bởi đất “địa linh nhân kiệt” nơi có hai vua : Bố cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô vương quyền :
                             Đất đồi rợp bóng Tản Viên
                   Địa linh nhân kiệt một miền rang danh.
                             Sông Hồng, sông Tích lượn quanh
                   Hợp long tạo dải non xanh sơn hà.    
    Với tâm tình nghĩ về quê hương , trong bài thơ Đi tìm thuở xưa của tác gỉả Phùng xuân Lân mang nỗi niềm tiếc nuối:
                               Tôi đi tìm cái thuở xưa
                     Võng đay, nôi nứa mẹ đưa năm nào
                                 Tôi đi tìm cái cầu ao
                  Cùng em ngồi tắm ngày nào bên nhau
                               Dải yếm trăng, váy sồng nâu
                           Tôi đi tìm mãi thấy đâu thuở nào?
Chúng ta cũng đồng cảm với tác giả Đinh thị Kim Ngôn khi nói về Sông Nhuệ xưa và nay đã than thở:
                   Ngày xưa sông Nhuệ trong lành
          Người ra tắm mát, cá tranh đớp mồi
                   Sông dài nước chảy về xuôi
          Tưới cho đồng lúa, nuôi người trồng rau
                   Nhuệ Giang ơn nặng tình sâu
          Ngàn năm nước chẳng đổi màu phú sa
                   Thế mà vài chục năm qua
          Nước sông vẩn đục lại pha màu hồng …

          Càng yêu đất nước quê hương, chúng ta càng căm thù quân xâm lược và càng quyết tâm bảo về vùng trời, vùng biển của chúng ta, như trong các bài thơ của : Tôi yêu Tổ Quốc tôi của Nguyên Quang Hòa, Bảo vệ chủ quyền của Nguyễn Đăng Sơn./.                

         2/ Một phần lớn tập thơ các tác giả dành cho những khúc tâm tình sâu lắng,nói về tình yêu lứa đôi, về tình gia đình, bạn bè, đồng đội.
         Trong tập thơ này có tới 46 bài thơ tình của 20 tác giả. Điều đó nói lên dù con người ta ở vào cái tuổi nào, chữ tình vẫn là nguồn cảm hứng vô bờ và lôi cuốn.
           Nguồn thơ thể hiện tình cảm, tình yêu trong tập thơ này cũng là điều đặc biệt, rất phong phú không kể lứa tuổi, nam có, nữ có, người già có, người trung tuổi có, và một số tác giả nữ có những cảnh đời  khá đặc biệt, nhưng vẫn toát lên niềm say và tha thiết yêu đời, yêu người…
        .  Có nhiều cách thể hiện. như tác giả Đặng xuân Biên nói về  cô láng giềng thật đậm đà như tình quê muôn thuở:
          Nắng vàng con bướm lượn bay
      Thoắt về bên ấy bên này lại sang
          Nhà anh cây bưởi cây chanh
     Xòe sang qua dậu cho em gội đầu.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Dụ còn dùng cái duyên thơ để xây mái lầu tình yêu  :
         Em về ở với anh đây
  Lấy thơ làm gạch ta xây lầu tình
Say như Nguyễn thị Thanh Xuân-bút danh Cỏ Dại cho ta hiểu một
mong muốn trong bài “Thèm” :
                            Ủ mùa nỗi nhớ lên men
                Vỡ loang cơn khát chảy thêm mật đời !
                        
    Tác giả  Lưu thị Phương Đông trong bài “Đợi” mô tả cái nhớ trong tình yêu như sau:
                   Người đâu se sắt nhớ thương
                   Tàn canh mòn mỏi giọt sương hững hờ
                   Bạc đầu trông ngóng đợi chờ
                  Tóc mây neo lại bến bờ sông mơ…
Hay nói về ma lực tình yêu, tác giả viết :
                   Rối bời khao khát giận hờn
                   Bước chân run rẩy, chập chờn bờ yêu…
Đấy là trích trong một vài bài, còn khá nhiều câu thơ đẹp trong cái tình mà hôm nay người già ta chứng minh quy luật tình yêu không có tuổi.
                    Ai đã từng đọc thơ Xuân Diệu, ông vua thơ tình đều biết câu thơ trong bài “Yêu”
                             Yêu là chết trong lòng một ít
                        Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
                Có lẽ thế cho nên trong một số tác gỉả ta gặp một số bài thơ nói về cái tình mà không được yêu.       
          Nhà thơ Nguyễn văn Nức, ta thường quen thuộc với bút danh Việt Hồng đã nói lên cái băn khăn, do dự vừa đủ e lệ, khi muốn :
                            Quả trong vườn chốn địa đàng
                       Muốn rơi vào chỗ trái ngang luật đời

        Ở đây tác gỉả dùng chữ “ địa đàng” cũng muốn hiểu là cáí nơi quý giá nhất, cái mà ông trời, tức tạo hóa sinh ra cho ta cái diễm phúc được hưởng.     Tuy nhiên:người ta muốn yêu, nhưng  lại :
                           Lắc đầu khó lắm anh ơi
                         Biết bao giờ gặp lại nơi-vội vàng.
       Và        Yêu nhau lắm, nhưng không đến được với nhau, cho nên trong bài “Ngắm mùa yêu”, nhà thơ Tấn Ban chợt nhận ra:
                        Từ đâu duyên kiếp thế nào
               Bên nhau lòng vẫn xôn xao nỗi lòng
                        Xa anh-em có nhớ không
                 Xa em- lòng những ngóng trông sớm chiều.
     Lưu thị Phương Đông trong “ Hành trang cuối” cũng có nỗi nhớ tiếc tương tự :
Đừng làm loạn nhịp tim  em
Đừng làm thổn thức những đêm bạc đầu
Bấc đèn nay đã cạn dầu
Góc yêu dông bão vò nhàu còn đâu ?
Nguyễn thị Ngọc Mai khi đi tìm nửa của mình, đã nói :
Em đi tìm nửa của em
Trót quên đâu đó để đêm lỡ làng
Lặng câm nửa kiếp đa đoan
Phù du nửa kiếp mộng sàng mơ suông
Nguyễn thị Hồng Nhung tiếc nuối, khi :
Cùng rơi vào cảnh hờn duyên
Bởi chưng ván đã đóng thuyền còn đâu
                 Nhìn nhau mà tiếc cho nhau
         Hoàng hôn đã rủ mái đầu phơ phơ
                 Tạc lòng qua  mấy vần thơ
        Còn thương nhau nữa xin chờ kiếp sau!

                 Trên đây nói lên nỗi lòng của những người đã yêu, đã có thời thật đẹp, rồi lại lỡ làng để mà luôn nuối tiếc. Tuy nhiên con người ta sống được là vì luôn hy vọng, luôn mong đợi cái đẹp nhất sẽ đến, như tác giả Mai lệ Thanh giúp cho ta có niềm tin như vậy. tác giả thật đã bao lần đổ những giọt lệ của “cuộc đời lắm nỗi bể dâu” nhưng vẫn giữ nguyên vẹn chữ tình:
Có hay chăng người ơi có thấy
 Vị ấm nồng nguyên vẹn em trao
Hãy giữ cùng em hạnh phúc ngọt ngào
Đừng lơi lỏng để biến màu anh nhé
Ta sẽ cùng nhau chung đường vui vẻ
Để trọn đời này ..
                   Ta mãi thuộc về nhau.
           Tục ngữ ca dao Việt ta có câu:
                             Yêu nhau tam tứ núi cũng chèo
                     Thất bát sông cũng lội,thập lục đèo cũng qua/.
          Tác giả Nguyễn văn Ban cũng cho ta một sự tin tưởng và tình yêu:
Khi đời đã ngấm mùa yêu
Núi cao biển rộng bao nhiêu chẳng nề
                            
           Hôm nay đây bao nhiêu con người chúng ta đã chao nghiêng về phía  cuối cuộc đời, ta nhìn lại mới thấy bao chuyện qua đi vẫn là cho ta vấn vương, tiếc nuối. Chính cái đó làm cho ta yêu thêm cuộc đời hiện tại, và càng mong hơn cái tốt đẹp rồi cũng sẽ tới.
            Tục ngữ Nhật Bản có câu : “Nghèo đói sinh ra trộm cắp, nhưng tình yêu sinh ra thi sĩ “ như vậy các nhà thơ ai chả có một tình yêu và chỉ có tình yêu thật sự mới làm được những vần thơ chau chuốt, sáng trong đẹp đẽ.
          Bên cạnh đó còn nhiều bài về các đề tài khác nhau, tuy nhiên trong thời gian hạn hẹp xin được khép lại phần giới thiệu tại đây.
       Tôi muốn rằng các vị hãy tiếp tục đọc thơ, làm thơ  để tìm và ca ngợi cái đẹp bằng thơ và đó là lời kết nhân buổi giới thiệu tập thơ Hương sắc Bắc Từ Liêm hôm nay./.( 15/5/2016)
            
         



Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Trích trên Facebook của Bùi Sinh






LỜI NÓI ĐẦU
Nói tới Phạm Tiến Duật là người ta nhắc tới các bài thơ nổi tiếng thời chống Mỹ : Gửi em cô gái TNXP - Tiểu đội xe không kính - Trường Sơn đông Trường Sơn tây .....Nhưng tới năm 1974 thì người ta lại nói nhiều về bài thơ Vòng trắng của anh . Bài thơ đó đã làm cho Phạm Tiến Duật gặp nhiều rắc rối mà anh nói đó là " tai nạn nghề nghiệp ".
Khi bài thơ được đăng báo vào tháng giêng năm 1974 thì người đầu tiên nói với anh Duật là ông Đồng Sỹ Nguyên tư lệnh trưởng Đoàn 559 . Ông bảo là : Duật ơi ! hình như là Duật có một cái tai nạn nghề nghiệp rồi , có nghe một ai ở bên phủ Thủ tướng nói rằng Duật có làm bài gì " khó khăn " lắm , nhưng mà tôi không biết . Sau đó ông Tố Hữu có gọi anh lên gặp và ông bảo : ....Thì hoá ra là một tiền đạo rất giỏi của Việt nam thế mà nay lại đá thủng lưới nhà à ?. Anh Duật nói : Tôi đoán rằng có lẽ ông ấy mới nghe được ai đó tóm tắt cái ý của bài thơ cho ông ấy nghe chứ ông ấy chưa đọc...
Bài thơ này là : VIẾT VỀ SỐ O nhưng khi đăng người ta tự ý thay là " Vòng Trắng " họ tùy tiện thay đổi không cần xin ý kiến của tác giả .
Chắc các bạn còn nhớ , tháng 12 - 1972 Mỹ ném bom rải thảm B 52 ở Hà Nội . Khi đó Phạm Tiến Duật ở trong chiến trường nghe tin và " Viết về số O " nói về Hà nội :
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng .
..........
Cuối năm 1973 Duật ra Hà Nội công tác và anh Định Nguyễn biên tập viên của tờ tạp chí Thanh Niên xin để đăng kỷ niệm một năm tròn bom Mỹ ném bom Khâm Thiên , nhưng lại in chệch ra thành số tháng 1/1974 , nên người ta đã hiểu khác về bài thơ và làm Duật khổ không ít .
Có mất mát nào lớn bằng cái chết .
Phạm Tiến Duật đã đau lòng trước cái chết của người dân Hà Nội , và chỉ ở trong chiến trường phải chứng kiến những cái chết của bao đồng đội mới thốt lên những lời thơ cháy bỏng như vậy.
Trong bài thơ " Hồi Tưởng " của tôi đăng trên Fb , có nói 12 ngày đêm B52 tôi đều có mặt ở Hà Nội và cũng suýt chết trong đêm 26/12/1972 khi tôi trú tại một căn hầm bên kia đường của bệnh viện Bạch Mai mà đêm đó cũng bị bom rải thảm cùng với Khâm Thiên . Sáng hôm sau tôi cũng được lệnh lên Khâm Thiên để cứu dân .Cảnh hoang tàn và người chết còn ngổn ngang . Lôi được một bà mẹ trong đống gạch đá đổ nát mà tôi ôm lấy bà khó nức nở . Duật ơi ! Nếu anh mà được chứng kiến như tôi thì anh sẽ có những lời thơ còn đớn đau hơn nhiều .
Phạm Tiến Duật còn "chết " ở câu :
Khăn tang , vòng tròn như một số O
Thế là Duật bị truy chụp là có vấn đề về tư tưởng , mất quan điểm lập trường . Họ sẽ phê rằng : Thế thì sự hy sinh này không mang lại ích lợi gì à ? như một số O à ? Hỏng...hỏng ...! Thế là Duật " ngắc ngoải "...
Thế đấy - Sinh nghề tử nghiệp !!!
Bài thơ Vòng trắng mãi đến 11/2007 mới chính thức được đưa vào tuyển tập thơ kháng chiến thì ít ngày sau Duật mất .
Sinh Bùi tôi không đủ trình độ về lý luận phê bình văn học để bình bài thơ "Vòng trắng " chỉ có 8 dòng này . Người lính chúng tôi biết đâu , nói đó . Có điều gì mà các bạn cho là chưa đúng , xin hãy thứ tha .
Được phép của gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật , tôi xin đăng bài thơ Viết về số O tức Vòng trắng để các bạn đọc và thẩm định, hiểu thêm tâm tư , tình cảm của nhà thơ và tính nhân văn cuả bài thơ này , để lại nhớ tới anh kính trọng và yêu thương anh hơn bao giờ hết !!!
Cám ơn các bạn !
Tái bút : Các tư liệu bài viết lấy trong bài phỏng vấn của nhà thơ Hồng Thanh Quang với Phạm Tiến Duật tháng 4/2002 tại trụ sở báo ANTG !
VIẾT VỀ SỐ O
(VÒNG TRẮNG )
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh
Có mất mát nào hơn bằng cái chết
Khăn tang , vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong .
Phạm Tiến Duật
Ghi chép của Bùi Sinh,Trích trên Facebook.