Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Một gia đình văn hóa hiếu học

LINH ANH
04-09-2017 05:40
Kinhtedothi - Ngôi nhà của gia đình nhà thơ Lê Hùng nép mình trong một ngách nhỏ ở khu tập thể Liên đoàn địa chất xạ hiếm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngôi nhà ấy không chỉ nuôi lớn những người con đang mang học hàm phó giáo sư, tiến sĩ, mà còn là nơi lưu giữ dấu ấn uyên bác, nho nhã của 2 thế hệ thầy nho.


Ngôi nhà nhiều phó giáo sư, tiến sĩ
Bước vào căn nhà nhỏ đơn sơ của nhà thơ Lê Hùng, đập vào mắt chúng tôi là tấm bằng Tổ quốc ghi công cùng những huân, huy chương được bày trang trọng trên giá sách, hoặc treo trên bức tường cũ kỹ. Trang trọng nhất là tấm bằng Tổ quốc ghi công Mẹ Việt Nam anh hùng của bà Tạ Thị Thi (thân sinh của nhà thơ Lê Hùng). Mặc dù bà đã về với đất mẹ 5 năm, nhưng trong trí nhớ của người con trai vẫn vẹn nguyên sự tần tảo của một người mẹ một tay chăm 10 người con, giúp chồng lo sự nghiệp. Là con gái của ông thầy nho tại ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), bà Thi thừa hưởng tinh thần học chữ từ cha mình. Chồng thường xuyên đi dạy học xa nhà, bà Thi ở nhà vừa làm nước mắm bán kiếm “đồng ra đồng vào”, vừa nuôi dạy 10 người con ăn học. Ngoài 2 người hy sinh ở chiến trường khi sự nghiệp học hành còn dang dở, 8 người con của bà Thi đều có bằng đại học và thạc sĩ. “Chính tấm bằng công nhận chiến sĩ diệt giặc dốt của mẹ tôi khiến anh em tôi bảo nhau phấn đấu học tập” - ông Hùng tâm sự.
Chồng mất sớm, tuổi già bà Thi trở về sống cùng gia đình người con trưởng Lê Hùng. Vừa đỡ đần con việc nhà, vừa dạy bảo các cháu học tập. Nhờ có chỗ dựa là mẹ, 2 cán bộ của ngành địa chất yên tâm cống hiến cho công việc. Năm 2012, bà Thi ra đi, để lại gia tài cho người con là những tấm bằng phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của cháu nội mình. Trong 6 người con của ông Hùng - cả dâu và rể, có 1 người là phó giáo sư, 2 người là tiến sĩ, 2 người là thạc sĩ. Các con ông Hùng, người là bác sĩ của Viện 108, người là giảng viên trường Đại học Mỏ địa chất, Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc làm cán bộ quản lý văn hóa. “5 cháu nội ngoại của tôi, có đứa đang du học ở Mỹ, đứa nhỏ hơn học trung học hoặc tiểu học cũng đều học trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ông bà, bố mẹ chính là tấm gương để con cháu tôi phấn đấu học tập và công tác” - ông Hùng chia sẻ.
Gia đình nhà thơ Lê Hùng được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Đặc biệt, tại Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ 2, gia đình nhà thơ Lê Hùng là một trong 8 gia đình đại diện Thủ đô được vinh danh.
Trẻ chăm con, già chăm vợ
16 tuổi, ông Lê Hùng rời nhà đi làm công nhân địa chất ở Lào Cai. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành thầy giáo dạy địa chất ở trường Trung cấp Địa chất (nay là trường Cao đẳng Công nghiệp 3). Phấn đấu cho sự nghiệp, nhưng ông cũng không quên trách nhiệm của người con phụng dưỡng mẹ già, trách nhiệm người chồng, giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc con cái. Ông Hùng nhớ lại: “Năm 1972, khi cháu thứ 2 được 11 tháng, vợ tôi được cử đi thi Đại học Tài chính kế toán. Sau khi thi đỗ, theo kế hoạch bà ấy phải học chuyên tu 4 năm. Tuy nhiên, do thời gian đó đúng trận vỡ đê lịch sử năm 1972 nên khóa học kéo dài 5 năm. 5 năm đó, 2 con nhỏ đều một mình tôi chăm sóc”.
Tự hào về vợ, người phụ nữ hết lòng cho công việc, không tham 1 đồng của công, cho dù mấy chục năm giữ cương vị Trưởng phòng tài chính của một đơn vị lớn. Chính vì vậy, trong nếp nhà của đôi vợ chồng hơn 50 tuổi Đảng ấy vẫn đơn sơ bộ salon thời xưa, chiếc xe đạp Thống Nhất dựng góc sân. Thú vị là dưới nếp nhà ấy, dẫu con cái đều là người thành đạt, giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng bữa cơm chiều tất cả đều có mặt, kể cho nhau nghe công việc trong ngày. Hết bữa con cái ông lại trở về căn nhà riêng gần đó, 2 người bạn già lại tận tình chăm sóc nhau. “Do vợ tôi bị bệnh parkinson nên ngày nào tôi cũng dành 1 tiếng xoa bóp cho vợ, nhắc bà ấy uống thuốc đúng giờ” - ông Hùng chia sẻ.
Mắc “án tử” vẫn lạc quan
Cách đây 2 năm, ông Lê Hùng được bác sĩ chẩn đoán ung thư trực tràng. Trải qua vài lần hóa trị và xạ trị, nhưng người đàn ông này vẫn lạc quan đón nhận tuổi già. Thời gian thức giấc hàng ngày của ông là lúc 4 giờ sáng để dành cho các bài tập yoga, sau đó, đọc sách và cả học tiếng. Ông quan niệm, cuộc đời người nào cũng có lúc mắc bệnh tật, điều quan trọng là lạc quan vượt qua để tiếp tục sống và cống hiến. Ông Hùng gọi xóm mình là xóm ung thư vì khu có 9 hộ sống cạnh nhau thì có tới 7 gia đình có người mắc bệnh và mất vì ung thư. Không vì hoàn cảnh ấy mà khiến ông thiếu lạc quan với việc chữa bệnh của chính mình.
Trong các phong trào của địa phương, gia đình nhà thơ Lê Hùng luôn đi đầu đóng góp và vận động bà con. Đặc biệt gia đình ông còn tham gia tìm mộ liệt sĩ Lê Trọng Dũng, Lê Việt Cường và 8 liệt sĩ khác. Theo ông Hùng: “Tôi luôn ghi nhớ lời của cha mình, cụ Lê Thế Sinh, nguyên một giáo chức về hưu, căn dặn con cố tìm bằng được nơi chôn cất của 2 người em ruột tôi - 2 liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: Lê Trọng Dũng, Lê Việt Cường. Suốt mấy chục năm lặn lội, năm 2011 tôi đã đưa được mộ của cậu em Lê Việt Cường từ Tây Nguyên ra nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội. Và sau khi mẹ tôi mất được 1 năm, cũng chính nhờ sự giúp sức của những người bạn yêu thơ, tôi cũng tìm được nơi Lê Trọng Dũng hy sinh. Thành quả 15 năm đi tìm mộ em và 8 đồng đội còn lại của cậu ấy là ngôi mộ số 48 Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 tỉnh Quảng Trị đã không còn là mộ vô danh, mà mang tên liệt sĩ Lê Trọng Dũng”.
Hiện nay, với khả năng thơ ca thiên bẩm, ông Hùng đã xây dựng Câu lạc bộ thơ Từ Liêm năm 2006, được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ Việt Nam. Ông cũng là người đi đầu trong việc tổ chức sinh hoạt văn nghệ tại địa phương chào mừng các ngày lễ của dân tộc như thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc khánh 2/9; ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa, gia đình nhà thơ Lê Hùng đã góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; xây dựng Tổ dân phố văn hóa để người dân trong tổ dân phố học tập và làm theo.
"Gia đình ông Lê Hùng là một gia đình hiếm có bởi có cả những người con hy sinh cho Tổ quốc, cùng những con người học hành thành tài giúp phát triển đất nước. Kể cả bây giờ, dù đã có tuổi, ông Lê Hùng vẫn thể hiện sự hiểu biết của mình tham gia xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh." -Ông Nguyễn Văn Liêm - cán bộ phụ trách phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm
Báo Knh tế Đô thị Hà Nội ngày 4/9/2017.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét