Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đón nhận Huân chương Sao vàng |
Thứ Tư, 25/07/2018, 14:30:13
Font Size: | Print
|
NDĐT - Sáng 25-7, tại Hà Hội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (LHCHVHNT) tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (7-1948 – 7-2018) và đón nhận Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng.
|
Đến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư; lãnh đạo một số địa phương, nơi LHCHVHNT Việt Nam đặt trụ sở làm việc các thời kỳ; cùng hơn 400 đại biểu, đại diện cho 40 nghìn văn nghệ sĩ cả nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gửi hoa chúc mừng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến.
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc và quý trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Nhiều văn nghệ sĩ ra mặt trận, vừa cầm bút vừa cầm súng, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ, người anh hùng. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao,... trong bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ sức tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, văn học, nghệ thuật đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, bước đầu tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại; trong đó, một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hóa về nội dung và phương thức biểu hiện...
Để hoàn thành tốt nhất vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật, Tổng Bí thư đề nghị, cần đặt hoạt động của các chuyên ngành này trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng kinh tế phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; mở rộng quan hệ đối ngoại,... nhằm tạo khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện và đồng bộ.
Giữ vị trí trung tâm và xuyên suốt trong các chủ trương lớn đó vẫn là vấn đề xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục, sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.
Bác Hồ đã dạy: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm". Điều đó có nghĩa là, đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ "chính trị" khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay.
Để làm tốt sứ mệnh đó, LHCHVHNT Việt Nam, bao gồm các hội chuyên ngành ở T.Ư và các hội địa phương cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình cụ thể như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian, lý luận, phê bình văn nghệ để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, đồng thời tìm phương thức phù hợp để hội tụ mọi sự sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất: Nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.
Cùng với nhiệm vụ đó, các văn nghệ sĩ bàn bạc, trao đổi thẳng thắn với tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nảy sinh trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây, như: có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục, nhận thức; nặng về tô đậm mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử; tiếp thu thiếu chọn lọc sáng tác, lý luận văn nghệ nước ngoài dẫn đến biểu hiện lai căng, chuộng ngoại, bắt chước, chạy theo thời thượng? Có phải những hạn chế đó đã dẫn tới tình trạng số lượng tác phẩm, tác giả thì nhiều, nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, làm suy giảm sức hấp dẫn và sự ham say của quần chúng đối với văn học, nghệ thuật? Cần có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó?
Tổng Bí thư khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Đồng thời, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.
Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Chỉ có như vậy, mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng.
Trao đổi thêm với anh em văn nghệ sĩ trẻ, Tổng Bí thư cho rằng, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường.
Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực cả về vật chất và tinh thần để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới. Phải coi đây vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, tặng LHCHVHNT Việt Nam.
Diễn văn kỷ niệm do nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHCHVHNT Việt Nam trình bày đã nêu bật truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam.
Cách đây 70 năm, tại Chiến khu Việt Bắc, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, thực hiện chủ trương của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 25 đến 27-7-1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức với sự tham dự của 80 đại biểu trí thức văn nghệ sĩ cả nước. Hội nghị quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của LHCHVHNT Việt Nam ngày nay. Hội nghị được xem như Đại hội thành lập, mở ra một trang sử mới của lịch sử văn nghệ cách mạng Việt Nam. Trải qua chín nhiệm kỳ Đại hội, đội ngũ văn nghệ sĩ đã kề vai, sát cánh, tâm huyết, bền bỉ đồng hành cùng dân tộc, thực hiện sứ mệnh sáng tạo, truyền bá những giá trị văn học nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, 70 năm qua, các lĩnh vực chuyên ngành thuộc Liên hiệp có bước trưởng thành nhanh chóng, có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong công chúng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhìn lại 70 năm qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm là, văn nghệ sĩ phải luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích của dân tộc; kết hợp giữa lý tưởng xã hội với lý tưởng thẩm mỹ; gắn liền việc tôn trọng tự do sáng tác với trách nhiệm xã hội; kết hợp giữa tính dân tộc với tính hiện đại,…
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của văn nghệ sĩ trong thời gian tới là tập trung vào xây dựng con người, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Con người là vốn quý nhất, do đó phải xây dựng con người bằng những chất liệu quý nhất, trong đó có văn học nghệ thuật; xây dựng con người với những nội dung mới, lên án đẩy lùi cái xấu, khẳng định và cổ vũ cho cái mới tiến bộ, những tấm gương sáng nảy nở phát triển. Các hội cần đổi mới mạnh mẽ các phương thức hoạt động, phấn đấu có tác phẩm hay, đẹp, có giá trị cao, tạo ra thời đại hoàng kim mới của văn học nghệ thuật.
|
Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam:Tôi sắp xuất bản tập thơ đầu tiên
TP - Chủ tịch CLB Thơ Bành Thông có dáng dấp cao to với mái tóc bạc thả dài vuốt mượt ra phía sau, khuôn miệng điều điệu của người khéo ăn nói, dễ dàng cuốn người đối diện vào những câu chuyện của mình.
Vào đúng ngày nóng nhất của mùa hè Hà Nội, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam hẹn chúng tôi đến trụ sở làm việc tại Trung tâm văn hóa TP Hà Nội (số 4 Phùng Hưng, Q. Hà Đông, HN).
Không quá khó để tìm, vì ngay ngoài Trung tâm văn hóa, một tấm bảng khá to trưng ở phía bên phải cổng chính: “Câu lạc bộ Thơ Việt Nam”. Văn phòng được đặt trên tầng hai, rộng chừng 20 mét vuông, kê ba bàn làm việc và một bàn tiếp khách, chỉ có một chiếc máy tính duy nhất dành cho văn thư.
Tất cả trang thiết bị đều được phủ “màu thời gian”, xỉn màu và khấp khểnh. Những người làm việc tại đây cũng đều khá già. Nhưng những bức tường vôi cũ lại bừng sáng lên nhờ sự lấp lánh của các loại bằng khen, kỷ niệm chương, bức trướng…
Bành Thông. |
Trên tấm cardvisit in kín cả hai mặt, thể hiện chức danh đang nắm giữ và sáu hội chuyên ngành tham gia sinh hoạt (Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số…), không có dòng nào ghi Chủ tịch CLB Thơ là nhà thơ, mà chỉ khiêm tốn đề: “nghệ sĩ - nhà báo Bành Thông”.
“Đã là sân chơi thì chân giày chân đất đều được đá. Chính vì thế, tôi không lấy tiêu chí văn học làm đầu. Cứ có nhân cách tốt, có tâm hồn thơ là kết nạp”.
Ông Bành Thông -
Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam |
Ông Bành Thông cũng không hề bối rối khi được hỏi lại: “…Và trong thơ của ông thì đầy tính kịch?” “Tất nhiên. Thơ của người chuyên viết kịch là phải có kịch tính, lớp lang, có thắt nút cao trào. Đây, để tôi đọc cho các bạn nghe bài thơ mới nhất đăng trên thi san “Người yêu thơ” nhé”.
…Chủ tịch CLB Thơ đọc đến khúc cao trào của bài thơ thì có khách, đó là một người yêu thơ muốn đăng chùm tác phẩm lên thi san. Chánh văn phòng CLB Thơ Vũ Dương Tá ngồi chiếc bàn phía sau được chủ tịch ra hiệu làm việc với khách hàng.
Sau vài câu thương lượng không thành, khách có vẻ mất kiên nhẫn nên hơi to tiếng: “In có ba bài thơ mà phải mua 50 cuốn thì chết à?”. Chủ tịch Bành Thông kết thúc bài thơ, quay lại phía khách thơ, bình tĩnh phân tích: “Đây nhé, ông thử tính xem, mỗi cuốn 15.000 (đồng), bỏ ra có mấy trăm nghìn mà được in thơ, in ảnh chân dung góc trang, in cả thông tin tác giả trang trọng thế này. Có chỗ nào giá rẻ hơn ở đây không? Ông muốn quảng cáo thì phải đầu tư chứ”.
Nghe ra, người khách gật đầu đồng ý sẽ mua 30 cuốn sau khi thơ được in. Chúng tôi được biết thêm, CLB Thơ có hai thi san xuất bản xen kẽ nhau theo tháng chẵn, lẻ nhưng được phân theo tiêu chí đại trà và tinh tuyển: “Hương đất Việt” dày gần 600 trang, mỗi lần in giới thiệu khoảng 500 tác giả hội viên CLB.
In ở đây sẽ không được nhận nhuận bút và được khuyến khích mua ấn phẩm; “Người yêu thơ” gần 60 trang, tác giả có bài in trên đó “được trả nhuận bút theo chất lượng từng bài” - Ông Bành Thông cho biết.
Nói đến chuyện phát hành các ấn phẩm của CLB, cựu nhà báo Bành Thông kể lại một kinh nghiệm khi còn công tác tại báo Văn nghệ Hòa Bình: “Ngày đó tôi gửi báo về các xã, huyện của tỉnh, mỗi tờ kèm theo một công văn mời mua báo, trong đó ghi rõ “Nếu không mua đề nghị có công văn trả lời”.
Không thấy có công văn nào trả lời, thế là hàng tháng tôi cứ cho người gửi báo về, sau 6 tháng ra kho bạc của tỉnh nhờ nhân viên ở đó thu giúp tiền bán báo từ các xã, trích lại cho họ 5%, xong. Rất nhẹ nhàng”.
Dường như hiểu thắc mắc của chúng tôi khi nhìn vào góc phòng ngồn ngộn những thùng các tông đựng đầy thi san chất cao đến lưng tường, ông giãi bày: “Có những tác giả ở các tỉnh xa không biết mình có thơ in trên này nên chưa kịp mua. Trước đây ai in thơ cũng đều mua vài ba chục cuốn, nay ít dần đi, họ chỉ mua 1 - 2 cuốn giữ lại thôi. Vả lại người làm công tác phát ít quá thành ra mới đọng lại thế này”.
Quay lại câu chuyện thành lập, chủ tịch Bành Thông hào hứng cho biết, CLB Thơ ra đời vào ngày 17/6/2006, đại hội được tổ chức linh đình giữa trung tâm thủ đô đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Ngay sau đó, số lượng đơn xin gia nhập tăng lên đến con số hàng nghìn. Hiện nay để quản lý và điều hành 7.966 hội viên, CLB Thơ đã bầu ra 47 ủy viên Ban chấp hành. Kỷ niệm 7 năm thành lập, dự kiến ngày 17/6/2013 sắp tới, chủ tịch CLB sẽ trao quyết định kết nạp và thẻ hội viên thứ 8.000.
Không để chúng tôi trôi hết ý nghĩ theo câu đúc kết của người xưa: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, Ông Bành Thông hạ bàn tay xuống cuốn thi san: “Tôi biết các bạn băn khoăn về hồ tinh hồ đa, nhưng con số 8.000 chưa nói lên điều gì cả, bởi vì tôi đang tạo dựng một sân chơi cho niềm đam mê. Mà đã là sân chơi thì chân giày chân đất đều được đá. Chính vì thế, tôi không lấy tiêu chí văn học làm đầu, sân chơi này chỉ căn cứ vào nhân cách chứ không phải tác phẩm. Cứ có nhân cách tốt, có tâm hồn thơ là kết nạp. Còn nói đến tính chuyên nghiệp, thơ làm gì có chuyên nghiệp và nghiệp dư, thơ chỉ có duy nhất là lòng say mê. Nói chuyện làm thơ chuyên nghiệp, nghĩa là bài sau luôn phải hay hơn bài trước, thế thì ngay cả thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, tôi thách cả 1 tỷ đồng liệu có làm được một bài thơ hay nào nữa không?”.
Giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của một CLB có gần 8.000 người làm thơ, mà chính chủ tịch lại chưa có tập thơ nào cũng là điều ông Bành Thông phải suy tư: “Sắp tới tôi sẽ ra một tập thơ 18 bài.” “18 bài? Vậy là tập thơ siêu mỏng? Hay mỗi bài thơ của ông đều dài đến trăm câu?” Thắc mắc đó được trả lời ngay: “Mỗi bài thơ của tôi in kèm theo một bài bình.
Thơ tôi rất đặc biệt, vì đây là thơ của người làm sân khấu nên phải có lời bình mới thấy hết cái hay của lớp lang, kịch tính trong đó. Tôi đã có hai tập kịch bản, mà toàn là những kịch giành được giải thưởng, huy chương, nhiều người chú ý lắm. Vì thế mà bây giờ tôi ra tập thơ cũng sẽ có rất nhiều người “soi” xem chủ tịch một CLB lớn như vậy thì thơ phú ra sao.
Tôi bỏ hết những bài thơ tổng kết, báo cáo thành tích, thơ vận động sản xuất, chăn nuôi… dù có những bài sáng tác tại chỗ và được thưởng “nóng” 100 đồng (thời giá những năm 80 thế kỷ trước), mà chỉ chọn lại bài nào mình thật tâm đắc, và được bạn thơ đồng cảm viết bài bình mới in vào tập”.
…Đúng vào sáng Chủ nhật, ngày 16/6/2013, CLB Thơ Việt Nam tổ chức họp Ban Chấp hành mở rộng và kỷ niệm 7 năm ngày thành lập tại Bảo tàng Phòng không – Không quân (171 đường Trường Chinh, Hà Nội).
Chủ tịch CLB Thơ Bành Thông chia sẻ: “Kỳ này chúng tôi chỉ tổ chức họp BCH mở rộng tại Thủ đô, còn lễ kỷ niệm đúng ngày thành lập (17/6) sẽ được tổ chức ở từng địa phương. Nếu mời rộng rãi như mọi năm thì lên đến 700 người…”
Vậy là so với các năm trước đây, quy mô tổ chức lễ kỷ niệm có phần thu nhỏ lại khá nhiều. Năm nay, ngoài 150 đại biểu là các ủy viên BCH, lãnh đạo CLB Thơ Việt Nam các tỉnh thành trong cả nước, chỉ có những khách mời dành nhiều tình cảm, đặc biệt quan tâm đến CLB Thơ, có niềm say mê làm thơ và yêu thích đọc thơ.