Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Sô tay thơ : Một bài thơ hay


MỘT BÀI THƠ HAY VIẾT VỀ MẸ
      
TRỞ VỀ SAU CHIẾN TRANH
                                 Bình Nguyên
Con về sau cuộc chiến tranh
Gặp bao trang lứa đã thành đại gia
Run run mừng tủi mẹ già
Đón con nước mắt như là tiễn con

Xa nhà xuống bể lên non
Bước chân lối thẳm ốc mòn
                                            con qua
Tuổi xuân bỏ lại rừng già
Hay đâu bóng mẹ trăng tà hôm mai

Con về đã cạn đời trai
Đứng thương cánh liếp then cài gió mưa
Khói từ bếp trấu mùn cưa
Lại thơm như tựa ngày xưa mỗi chiều
Con về cà pháo canh riêu
Bát cơm mẹ nén bao điều đớn đau
Tóc con nay đã ngả màu
Tìm đâu thấy sợi trên đầu mẹ xanh

Gió mùa thổi buốt mái tranh
Thổi qua đời mẹ mà thành đời con
Tấm thân còi cọc con còn
Xin vun tuổi mẹ cho tròn trăm năm ./.
                                                   Lời bình của Lê Huy Hòa
         
Tôi đã đọc rải rác trên báo sách tạp chí hàng trăm bài thơ ( cả thơ Việt và thơ Tây) viết về người mẹ. Nhưng mãi đến năm 2001, mới có tập “ Bờ sông vẫn gió” , tuyển tập thơ về mẹ do hai nhà thơ Tuyết Nga và Chu Thị Thơm sưu tầm, tuyển chọn ( NXB Giáo dục 1999). Và gần đây có thêm tập “ Mừng tuổi mẹ” do nhà thơ Lại Hồng Khánh chủ biên ( NXB Dân trí 2017). Cả hai tập thơ nói trên các nhà thơ chỉ tuyển chọn thơ viết về mẹ. Nói chung, người tuyển chọn đã có “ con mắt xanh” nên đa số những bài thơ trong 2 tập đều hay.
          Bài thơ “ Trở về sau chiến tranh” của nhà thơ Bình Nguyên cũng là bài thơ hay viết về mẹ nhưng không có mặt trong 2 tập thơ nói trên, có lẽ do tác giả chưa cho in trên báo trước đó, hoặc sáng tác ở  thời điểm sau khi 2 tập sách đã ra đời.
          Bài thơ nói về người con ( là bộ đội) trở về sau cuộc chiến. Hoàn cảnh trở về của anh có sự may mắn là : Trở về  khi người mẹ anh vẫn còn sống. Nhiều người lính khi trở về mẹ đã mất, hoặc ngược lại, mẹ vẫn còn, vẫn đợi, nhưng các anh mãi mãi không về .
          Người con trong bài thơ của Bình Nguyên trở về trong hoàn cảnh : Con về sau cuộc chiến tranh/ Gặp bao trang lứa đã thành đại gia/ Run run mừng tủi mẹ già/ Đón con nước mắt như là tiễn con.Bạn bè trang lứa nhiều người đã thành đại gia. Còn người con của mẹ vẫn chỉ là người lính khi tuổi đã ngả chiều và sức trai đã cạn. Tuổi xuân bỏ lại rừng già/ Hay đâu bóng mẹ trăng tà hôm mai/ Con về đã cạn đời trai/ Đứng thương cánh liếp then cài gió mưa.
          Gặp lại mẹ trong hoàn cảnh ấy, mẹ càng thương anh hơn và anh lại thấy xót xa thương mẹ đến quặn lòng. Giọt nước mắt ngày xưa mẹ tiễn con đi chiến trường đã cạn, bây giờ đón con vẫn thương xót : Run run mừng tủi mẹ già/Đón con nước mắt như là tiễn con. Hai giọt nước mắt lặn qua cuộc chiến tranh tàn khốc đều mặn chát thương cảm như nhau.
          Câu thơ Bình Nguyên có sức gợi, ám ảnh người đọc khi anh chọn được những hình ảnh đầy gợi cảm : Con vè đã cạn đời trai/ Đứng thương cánh liếp then cài gió mưa. Chợt nhớ thơ Trúc Thông : Cây cau cũ, giại hiên nhà/Còn nghe gió thổi sông xa mấy lần. Và câu thơ Bình Nguyên ở những đoan sau làm ta dịu bớt nỗi xót xa, yên tâm hơn khi dấu của mẹ với những gì ngày xưa anh đã từng được mẹ chăm sóc :
                             Con về cà pháo canh riêu/
  Cho dù : Bát cơm mẹ nén bao nhiêu điều đớn đau.
          Và cho đến câu thơ cuối bài một chi tiết rất đặc trưng khi viết về mẹ mới xuất hiện, đó là mái tóc mẹ: Tóc con nay đã ngả mầu/Tìm đâu thấy sợi trên đầu mẹ xanh. Chỉ có điều là tóc mẹ bạc trắng, tóc con cũng đã ngả màu. Bao da diết thương yêu trong hai mái đầu tóc bạc.           
 Nhà thơ Phạm Đình Ân cũng có 2 câu thơ hay có ý
nghĩa tương đồng : Trải ghềnh thác tự nguồn cao/ Tóc xanh mẹ chảy cạn vào đời con.
Kết thúc bài thơ là lời cầu chúc mẹ sống trọn cõi trăm năm :
                   Tấm thân còi cọt con còn
           Xin vun tuổi mẹ cho tròn trăm năm.
       Tứ thơ không mới, nhưng Bình Nguyên đã biết chọn một“tình huống thơ” riêng , có nhiều điều để nói và những
điều đó là tâm trạng của hai con người  ( mẹ và con) đã tạo được sự đồng cảm,thương yêu và chia sẻ.
        Tôi biết nhà thơ Bình Nguyên viết bài thơ này từ  hoàn cảnh thực của anh. Anh từng là người lính trở về và người mẹ trong bài thơ chính là mẹ anh.Có lẽ vậy mà bài thơ có sức rung động rất sâu đậm.
                      Trích báo Văn Nghệ số 23 ( 9/6/2018)-Lê Hùng



                  
          
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét