Nhớ hai ngôi sao của thơ ca đương đại |
HỒNG SƠN (GHI) |
Thứ tư, 29/08/2018 - 10:27 PM (GMT+7)
Font Size | Print
|
30 năm trôi qua kể từ ngày vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và người con trai út Lưu Quỳnh Thơ ra đi, những ký ức, niềm thương nhớ, sự ngưỡng mộ của công chúng, bạn bè và người thân dành cho họ vẫn còn mãi. Những giá trị nhân văn mà họ gửi gắm qua từng tác phẩm sẽ còn đọng lại trong tình yêu và nỗi nhớ ngày một đầy thêm qua nhiều thế hệ. Hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tiếp tục khẳng định điều này.
|
Một giọng nói tiên phong của văn học đổi mới
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Trước khi sáng tác kịch, Lưu Quang Vũ chủ yếu làm thơ. Ông viết thơ từ khi còn học phổ thông và sáng tác nở rộ trong giai đoạn 1965 đến 1970 - lúc ông nhập ngũ, phục vụ kháng chiến.
Cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, những vần thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ là tiếng nói tha thiết yêu quê hương và gửi trao tin cậy trước cuộc đời, song thơ của ông được cất lên với cung bậc trầm lắng và da diết hơn. Đi từ những gì gần gũi thân thương nhất để viết về quê hương đất nước, Lưu Quang Vũ ngay từ tập thơ đầu tiên “Hương cây - Bếp lửa” in chung với nhà thơ Bằng Việt đã tạo được dấu ấn về một lối viết hào hoa nồng nàn cảm xúc, đậm đà bản sắc dân tộc.
PGS, TS Lý Hoài Thu nhận định, Lưu Quang Vũ coi quê hương là điểm tựa tinh thần, là nguồn sinh lực dồi dào và gửi gắm vào một hình ảnh thơ bay bổng mà khỏe khoắn - “Đất mẹ hiền nâng cánh ta bay…”.
Những năm sau đó, cuộc đời Lưu Quang Vũ gặp nhiều biến cố, rời quân ngũ, công việc không ổn định, cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ chỉ sau một năm, thơ của ông từ cảm hứng lãng mạn trữ tình sang đời tư thế sự. Đây cũng là thời ông viết nhiều thơ nhất. Thời mà thơ của ông mang đậm cảm xúc quặn thắt, buồn chán cô đơn, nhưng không bao giờ bi luỵ. Không chút gì hằn học trách móc cuộc sống. Lưu Quang Vũ chỉ kêu lên nỗi buồn thương trong thơ.
Trong suốt cuộc đời 40 năm ngắn ngủi của mình, ông đã có 20 năm vui buồn cùng thơ và 10 năm gắn bó với kịch. Nhưng chỉ trong 10 năm ngắn ngủi đó (từ năm 1978), kịch của Lưu Quang Vũ đã trở thành hiện tượng nổi bật nhất của sân khấu Việt Nam thời kỳ đổi mới với loạt tác phẩm phản ánh thời cuộc như: “Sống mãi tuổi 17”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Người tốt nhà số 5”, “Tôi và chúng ta”...
Những năm 80 thế kỷ trước, vừa ra khỏi hai cuộc kháng chiến, đất nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Ở thời điểm lịch sử ấy, kịch của Lưu Quang Vũ như con dao sắc mổ xẻ những vấn đề nhức nhối của xã hội, động chạm đến những vấn đề mà ngày ấy cho là “nhạy cảm”.
Theo nhà văn Chu Lai, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, kịch của Lưu Quang Vũ lúc ấy như đội quân tiên phong của văn học nghệ thuật, dám xông vào những vấn đề xã hội nóng bỏng, báo động, tiên liệu, dự cảm một cái gì đó nếu không ổn định cơ chế, ổn định những đạo lý thì con người còn vấp phải những hiểm họa khôn lường.
Hồn thơ chất chứa yêu thương
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (1942-1988) nữ thi sĩ nổi tiếng của giai đoạn thơ ca chống Mỹ cứu nước. Trải qua năm tháng sống và viết, yêu thương và lao động hết mình, Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một di sản văn học đáng quý, tiêu biểu như: “Gió Lào, Cát trắng” (1974), “Lời ru trên mặt đất” (1978), “Tự hát” (1984),… và nhiều tác phẩm văn chương cho thiếu nhi như: “Cây trong phố”, “Bầu trời trong quả trứng”…
Xuân Quỳnh đã dành cho các em nhỏ một gia tài thơ như là sự kết tinh trải nhiệm của đời mình. Có một điều lạ là những câu thơ được viết ra từ ẩn ức của một đứa trẻ côi cút, sớm xa cha mất mẹ mà lại mang đậm chất trữ tình, trong sáng hết sức ngọt ngào: “Mỗi lần ôm em, mẹ yêu/Em thấy ấm ơi là ấm…”.
PGS, TS Lưu Khánh Thơ nhận xét: “Ở Xuân Quỳnh, tình yêu không bao giờ đơn thuần chỉ là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái cao quý của con người, tượng trưng cho niềm khao khát được tự hoàn thiện mình”.
Có thể nói, với Xuân Quỳnh thơ không có chỗ đứng cho tình cảm nửa vời mà luôn đầy ắp cảm xúc yêu thương con người và cuộc sống, ngay lúc chiến tranh, bom rơi đạn nổ hay khi hòa bình xây dựng đất nước. Đặc biệt là sau khi nữ thi sĩ cùng nhà thơ Lưu Quang Vũ xây dựng một gia đình mới. Đây là một bước ngoặt lớn trong đời sống cũng như đời thơ Xuân Quỳnh. Nữ thi sĩ sống chi chút hơn trong đời sống gia đình, và viết nhiều thơ về tình yêu.
Cái đáng quý nhất của thơ tình là sự chân thật, điều này thể hiện qua từng câu thơ của Xuân Quỳnh, luôn luôn nói thật, nói hết, nói đến tận cùng những tình cảm của mình, cái tình cảm vượt ra cả giới hạn sinh tử: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
Vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cũng là cặp vợ chồng văn nghệ sĩ duy nhất cho đến thời điểm này được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về văn học nghệ thuật. Nhà thơ Lưu Quang Vũ được trao tặng giải thưởng năm 2000, nhà thơ Xuân Quỳnh được trao tặng năm 2017.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét