Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Nguyễn thị Bình bình bài thơ" Khúc hát ru của Tống Minh Lung"

Nguyễn thị Bình bình bài thơ" Khúc hát ru của Tống Minh Lung"

TÌNH CHA SÂU NẶNG
Qua bài thơ“KHÚC HÁT RU”- của nhà Thơ, Đại tá Tống Minh Lung
                                                                                             NGUYỄN THỊ BÌNH
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt- Thanh Hóa quê hương của Đại tá Công An, nhà thơ Tống Minh Lung, nơi từng là nơi quê cha đất tổ của “Tam Vương, Nhị Chúa”, vua Lê chúa Trịnh, nhà Nguyễn, nhà Hồ… quê anh còn là mảnh đất có truyền thống hiếu học, đã từng có tới 1627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 vị tiến sỹ mà tên tuổi đã từng được lưu danh trong nhiều lĩnh vực: Văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao nổi tiếng như : Khương Công Phụ, Lê văn Hưu, Đào Duy Từ…cũng là vùng đất có truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc từ thời các triều đại phong kiến cho đến hai cuộc kháng chiến thần thánh và vĩ đại chống Pháp và đế quốc Mỹ.Mảnh đất mà vào nhà gặp dũng sỹ, ra đường gặp nhà thơ, thì việc một Đại Tá công An lại trở thành một nhà thơ có vị trí trong Hội VHNT của xứ Thanh thì cũng không có gì là lạ và cũng đủ để chúng ta ngưỡng mộ.
          Tôi không sao nén nổi xúc động khi bắt gặp bài thơ đầu tiên mà anh dành đặt tên cho tập thơ mới ấn hành tại Nhà XB HNV tháng 9-2016: “KHÚC HÁT RU”.Bài thơ như một nét chấm phá cho toàn bộ tập thơ hơn 130 trang bìa cứng rất đẹp và nội dung rất phongphú. Đó là bài thơ viết về tình cha dành cho con hết sức cảm động, đã chạm tới trái tim của những người con trên thế gian này, nhất là những người con có cha đã từng là người lính cống hiến cả quảng đời tuổi trẻ cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nay trở về hát khúc ru con với tình yêu thương vô bờ và sâu đậm
KHÚC HÁT RU
(Tặng cho những người lính thời trai trẻ chưa kịp ru con)
Vụng về tay bế con thơ
Lời ru chẳng có bao giờ muộn đâu!
Từng qua bao suối, bao cầu
Năm mươi năm lại bắt đầu học ru.

“Ơi...à…ơi! Gió mùa thu…”
Ru con mà cứ ngỡ như ru mình
Này cây đa đứng bên đình
Này con sáo sậu tự tình ngọn tre.

Này là con vẻ, con ve
Này con dế cỏn đêm hè nỉ non.
Cha tìm gọi bạn cho con
Lời ru chim sáo hay hơn cha nhiều.

Minh Thành con ngủ con yêu!
Cha xin làm gió nâng diều bay cao
Giọng cha là giọng thuốc lào
Làm sao sánh giọng ngọt ngào mẹ ru…

Bước qua bom đạn kẻ thù
Cha ru con- những ngôn từ đắm say!
Tống Minh Lung
            Xưa nay đã thành lệ, người ta vẫn thường nói đến “Lời ru của mẹ” chứ ít ai nhắc tới “Lời ru của cha” vì ít khi người cha lại làm thay người mẹ cái thiên chức vĩ đại đó là hát ru con, nhưng ở đây, tác giả đã thể hiện một hình ảnh rất đẹp, là tình cha ấm áp dành cho đứa con thơ vô cùng yêu quý, mà tác giả đã thổ lộ bằng hai câu thơ đầu:
“Vụng về tay bế con thơ…
Lời ru con có bao giờ muộn đâu!
            Lớn lên trong thời buổi đất nước có chiến tranh, Bắc Nam chia cắt hai miền, những thanh niên trên khắp mọi miền đất nước đã lên đường cầm súng chiến đấu. Người vào bộ đội, người đi TNXP, người vào lực lượng CAND.Hết thảy ai cũng sục sôi tinh thần yêu nước. Chàng trai trẻ Tống Minh Lung cũng như bạn bè trang lứa, anh đã lên đường làm nhiệm vụ, gác lại tình riêng hẹn ngày trở về bên hạnh phúc gia đình. Bởi vậy Tống Minh Lung mới có câu thơ:
“Vụng về tay bế con thơ
Lời ru chẳng có bao giờ muộn đâu!
Từng qua bao suối bao cầu
Năm mươi năm lại bắt đầu học ru.
Hạnh phúc muộn màng nhưng người lính luôn biết nâng niu trân trọng, bởi đó chính là kết quả đã được đúc kêt bằng tình yêu sau những năm tháng xa cách vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Và, đứa con thơ đã trở thành niềm hạnh phúc không gì sánh nổi.  
            Tôi còn nhớ câu nói của Nô Valis (Nga):“Một đứa bé ngủ ngon, không đâu bằng trong phòng của ba nó.” Tình cha thương con không thể nói hết bằng lời. Đứa con bé bỏng nằm gọn trong cánh tay cha đã cảm nhận được tình phụ tử thiêng liêng “cốt nhục tình thâm”qua lời ru vụng về của cha,nên con đã ngủ ngoan như một chú mèo con trong lòng cha. Có một bài thơ viết về giọng ngâm của cha khi ru con rất hay mà tôi không còn nhớ tên tác giả:
…“Quê nghèo mưa nắng trào tuôn
Câu thơ cha dệt từ muôn thăng trầm
Thương con, cha ráng sức ngâm
Khổ đau hạnh phúc nảy mầm thành hoa.”
            Chúng ta đã không kém một lần được thưởng thức nhạc phẩm “Tình cha” của ca sỹ Ngọc Sơn đã hát bằng giọng hát ngọt ngào làm rung động hàng triệu trái tim:
“Tình cha ấm áp như vầng thái dương
Ngọt ngào như dòng nước tuôn đầu nguồn…
Suốt đời vì con gian nan
Ân tình đậm sâu bao nhiêu…”
Hay là đoạn : “…còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh
Và cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài…”
  Tống Minh Lung cũng là một người cha với tình cảm thiêng liêng phụ tử, anh đã hát ru con bằng những lời ru mộc mạc chân tình, mang những hình ảnh đậm nét chân quê, được anh chắt chiu từ hình ảnh “cây đa đứng bên đình”, “Sáo sậu tự tình ngọn tre…Và, anh cũng đã mang vào giấc ngủ của con những hình ảnh tuổi thơ của chính mình mà lúc nhỏ anh từng được nghe qua giọng ru của mẹ:
Ơi à ơi!Gió mùa thu…”
Ru con mà cứ ngỡ như ru mình
Này cây đa đứng bên đình
Này con sáo sậu tự tình ngọn tre…”
 Anh như muốn được thu mình nhỏ lại để trở về tuổi ấu thơ bên cánh võng, để đắm mình trong những lời ru mang hình bóng quê nhà. Điều đócàng khiến chúng ta hiểu thêmmối thâm tình của Tống Minh Lung dành cho đứa con trai yêu quý. Nghĩ đến tương lai rực rỡ của con, anh lại muốn nâng những cánh diều tuổi thơ đầy mơ ước cho con được bay cao lên bầu trời rộng lớn:
“Cha xin làm gió nâng diều bay cao”.
Những danh từchỉ các con vật quen thuộc bé nhỏ đã được anh cách điệu theo cách gọi của trẻ thơ thật đáng yêu (“con vẻ con ve”- con ve, “con dế cỏn”-con dế con, “lời ru chim sáo”- tiếng sáo hót…), coi đó chính là bạn của con mình :
“Này là con vẻ con ve
Này con dế cỏn đêm hè nỉ non
Cha tìm gọi bạn cho con
Lời ru chim sáo hay hơn cha nhiều.
Minh Thành ngoan ngủ con yêu
Cha xin làm gió nâng diều bay cao”
    Anh rất yêu con, rất muốn đưa con vào giấc ngủ bằng chính lời ru của mình. Nhưng anh vẫn muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất, giọng ru hay nhất hơn cả chính giọng ru của mình, để mang đến cho con những hình ảnh yêu thương của quê nhà với bản sắc văn hóa lúa nước ngay từ lúc con còn nằm trong nôi. Và, có lẽ điều anh muốn nói với con để lớn nên con không quên được cội nguồn. Bởi thế nên anh muốn gọi cả chim sáo đến hót cho con nghe: “Lời ru chim sáo hay hơn cha nhiều”.Thật sự tôi vô cùng cảm động và ngưỡng mộ tấm lòng của người cha Tống Minh Lung dành cho con.
Là người lính, anh cũng giống như những chiến sỹ trở về sau những cuộc chinh chiến, vẫn mang đậm chất lính, vui vẻ hồn nhiên ngay cả trong câu hát ru con, rất hài hước và cũng rất chân thật, ẩn chứa một tình yêu thương đằm thắm với người vợ, nhân vật thứ ba mà tác giả đã khéo nhắc tới:
“Giọng cha là giọng thuốc lào
Làm sao sánh giọng ngọt ngào mẹ ru…”
Sau trận mạc trở về được sống trong xum họp cùng gia đình hạnh phúc, anh muốn bỏ lại phía sau tất cả những dĩ vãng khói lửa, đạn bom của một thời khốc liệt, để dành tất cả sự yên bình, yêu thương cho con trong giấc ngủ ngon lành:
Bước qua bom đạn kẻ thù
Cha ru con - những ngôn từ đắm say!
“Ngôn từ đắm say.”Phải chăng đó là ngôn từ, là ngôn ngữ riêng của tình cha thiêng liêng và sâu đậm, cũng là ngôn từ, giọng nóimang nặng tình quê mà cha đã dành cho con qua KHÚC HÁT RU vềcội nguồn để con luôn ghi nhớ.
Bài thơ được khép lại bằng hai câu kết, khép lại quá khứ- hướng tới tương lai, như được mở ra một khung trời mới trước bình minh rực rỡ. Đó là tương lai, là cuộc sống hòa bình, mà cha đã cùng các thế hệ cha anh đã phải đổ máu xương để dành lại cho con.
Về nghệ thuật, đây là một bài thơ hay, cảm động, viết về tình cha thiêng liêng dành cho con.Tác giả đã sử dụng cách viết theo thể loại lục bát rất thuần thục, mượt mà, câu thơ mang nhiều hình ảnh ẩn dụ, điển hình trong ca dao về làng quê như chim sáo, cánh diều,cây đa, bên đình…mang đậm bản sắc văn hóa của một vùng quê lúa nước, làm tăng thêm cái“hồn” và cái “thần thái” của bài thơ, người đọc dễ liên tưởng tới tuổi ấu thơ của mình bên người cha thân yêu. Và đứa con đúng là một Thiên thần bé nhỏ, là nguồn cảm hứng vô tận mà Thượng đế đã ban tặng cho tác giả-nhà thơ Tống Minh Lung. Xin chúc mừng và cám ơn nhà thơ- Người lính, đã mang đến cho đời một món quà vô giá: Thi phẩm KHÚC HÁT RU.
Hà Nội, ngày 17/3/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét