Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Bài thơ hay : Thời gian của Văn Cao , lời bình Nguyễn Hữu Quý

THỜI GIAN
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.
Xuân Đinh Mão 2.1987
Văn Cao
Lời bình của Nguyễn Hữu Quý:
Bài thơ này tác giả "Tiến quân ca" (Quốc ca Việt Nam) làm vào mùa xuân năm 1987. Một thi phẩm viết về thời gian, cái khái niệm quen thuộc gắn với chúng ta trong quá khứ, đến hiện tại và tương lai. Bài thơ cô đọng hàm súc mang những trải nghiệm cuộc sống thâm hậu của Văn Cao-một văn nghệ sỹ đa tài- của đất Việt mình.
Với Ông, thời gian là cái có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Cái được đo bằng thiên kỷ, thế kỷ, thập kỷ, năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây ấy trong bước đi vô tận của mình cũng đã kịp để lại “cảm giác” qua kẽ tay của một nghệ sỹ tài hoa. Thời gian qua kẽ tay. Bằng sự nhạy cảm “siêu đẳng” Ông đã nhận ra nhịp lưu hành của cái vô hình: thời gian. Và, bước đi của nó trong một cuộc đời nhanh lắm. Mới cất tiếng khóc oa oa chào đời hôm nào mà nay đã bước vào chặng thiếu niên rồi thanh niên, hoa niên và quay đi ngoảnh lại ta đã khô gầy tàn phai úa héo như chiếc lá cây sắp rời cành. Thời gian để lại dấu ấn trên ta với những đổi thay về thể xác, tâm hồn qua mỗi chặng đời tựa sự an bài không gì cưỡng được. Điều ấy, được diễn đạt ở bài thơ này thật giản dị với những thi ảnh, âm thanh không hề xa lạ cao siêu với chúng ta:
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như
tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn.
Mấy câu thơ cứ nặng dần, nặng dần xuống và bị chia cắt rời ra bởi lối xuống dòng bất chợt. Hình như có cái gì đó không được trôi chảy, hanh thông, nhẹ nhõm và biết đâu trong đấy còn những trắc ẩn chưa được giải bày. Thiên nhiên, cảnh vật, tâm hồn không còn xanh tươi, nhẹ nhàng như thuở nào nữa.
Những chiếc lá đã bị úa khô…Tiếng rơi của hồi ức khô khốc nặng nề như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn. Tiếng rơi kỷ niệm chẳng hề êm dịu nếu như không muốn nói rằng đó là tiếng rơi chát đắng của dĩ vãng xuống nền hiện tại cằn cỗi.
Nếu chỉ như thế, nếu cứ mãi mê đuổi theo những héo khô nặng nề dù có thật như thế thì chắc bài thơ không lưu lại trong ta được nhiều ấn tượng suy ngẫm đáng kể. Bởi, người đọc chắc cũng sẽ bị “chìm” theo tâm trạng phiền muộn và cái nhìn về thời gian cũng nhuốm sắc màu bi lụy. Người đọc, may ra chỉ chia sẻ cảm thông và có thể cùng ngậm ngùi về thế cuộc, về nhân tình với tác giả thôi.
Không, những tâm hồn thoáng đạt bao la, những tầm nghĩ lớn lao như Văn Cao không bao giờ dừng lại ở đó. Ông biết tôn vinh, nâng lên những nét đẹp, nguồn sáng, sự tươi tắn của cuộc sống mà trước hết là của nghệ thuật và tình yêu đích thực. Và, Ông biết rằng, còn con người thì sẽ còn sinh tồn những cái ấy. Triết lý nhân sinh, lãng mạn cuộc sống thêm lần nữa đã được Văn Cao viết lên bằng những hình ảnh lung linh:
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.
Thế chỗ những chiếc lá khô, lòng giếng cạn là những câu thơ còn xanh và những bài hát còn xanh cùng với đôi mắt em, đôi mắt của tình yêu đẹp đẽ, trong mát như hai giếng nước. Đôi mắt em như hai giếng nước, một sự ví von tuyệt vời; cái đẹp mát rượi sâu đằm nhưng cũng gần gũi thân thuộc làm sao. Đôi mắt ấy, tình yêu ấy sẽ tưới mát tâm hồn ta, sẽ giải thoát ta ra khỏi những héo úa khô khát cằn cỗi của cuộc sống.
Năng lượng thơ được giải phóng từ những hình ảnh, câu chữ đắc địa, ngỡ bình thường mà rất sâu sắc, dễ hiểu nhưng không nông cạn, triết lý nhưng không cần viện cao siêu rườm rà. "Thời gian" của Văn Cao, một thi phẩm “Ý tại ngôn ngoại”, tôi cho là thế!

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Nhớ hai ngôi sao của thơ ca đương đại


Nhớ hai ngôi sao của thơ ca đương đại

HỒNG SƠN (GHI)

Thứ tư, 29/08/2018 - 10:27 PM (GMT+7)
 Font Size    |           Print

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh: TL
30 năm trôi qua kể từ ngày vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và người con trai út Lưu Quỳnh Thơ ra đi, những ký ức, niềm thương nhớ, sự ngưỡng mộ của công chúng, bạn bè và người thân dành cho họ vẫn còn mãi. Những giá trị nhân văn mà họ gửi gắm qua từng tác phẩm sẽ còn đọng lại trong tình yêu và nỗi nhớ ngày một đầy thêm qua nhiều thế hệ. Hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tiếp tục khẳng định điều này.
Một giọng nói tiên phong của văn học đổi mới
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Trước khi sáng tác kịch, Lưu Quang Vũ chủ yếu làm thơ. Ông viết thơ từ khi còn học phổ thông và sáng tác nở rộ trong giai đoạn 1965 đến 1970 - lúc ông nhập ngũ, phục vụ kháng chiến.
Cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, những vần thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ là tiếng nói tha thiết yêu quê hương và gửi trao tin cậy trước cuộc đời, song thơ của ông được cất lên với cung bậc trầm lắng và da diết hơn. Đi từ những gì gần gũi thân thương nhất để viết về quê hương đất nước, Lưu Quang Vũ ngay từ tập thơ đầu tiên “Hương cây - Bếp lửa” in chung với nhà thơ Bằng Việt đã tạo được dấu ấn về một lối viết hào hoa nồng nàn cảm xúc, đậm đà bản sắc dân tộc.
PGS, TS Lý Hoài Thu nhận định, Lưu Quang Vũ coi quê hương là điểm tựa tinh thần, là nguồn sinh lực dồi dào và gửi gắm vào một hình ảnh thơ bay bổng mà khỏe khoắn - “Đất mẹ hiền nâng cánh ta bay…”.
Những năm sau đó, cuộc đời Lưu Quang Vũ gặp nhiều biến cố, rời quân ngũ, công việc không ổn định, cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ chỉ sau một năm, thơ của ông từ cảm hứng lãng mạn trữ tình sang đời tư thế sự. Đây cũng là thời ông viết nhiều thơ nhất. Thời mà thơ của ông mang đậm cảm xúc quặn thắt, buồn chán cô đơn, nhưng không bao giờ bi luỵ. Không chút gì hằn học trách móc cuộc sống. Lưu Quang Vũ chỉ kêu lên nỗi buồn thương trong thơ.
Trong suốt cuộc đời 40 năm ngắn ngủi của mình, ông đã có 20 năm vui buồn cùng thơ và 10 năm gắn bó với kịch. Nhưng chỉ trong 10 năm ngắn ngủi đó (từ năm 1978), kịch của Lưu Quang Vũ đã trở thành hiện tượng nổi bật nhất của sân khấu Việt Nam thời kỳ đổi mới với loạt tác phẩm phản ánh thời cuộc như: “Sống mãi tuổi 17”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Người tốt nhà số 5”, “Tôi và chúng ta”...
Những năm 80 thế kỷ trước, vừa ra khỏi hai cuộc kháng chiến, đất nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Ở thời điểm lịch sử ấy, kịch của Lưu Quang Vũ như con dao sắc mổ xẻ những vấn đề nhức nhối của xã hội, động chạm đến những vấn đề mà ngày ấy cho là “nhạy cảm”.
Theo nhà văn Chu Lai, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, kịch của Lưu Quang Vũ lúc ấy như đội quân tiên phong của văn học nghệ thuật, dám xông vào những vấn đề xã hội nóng bỏng, báo động, tiên liệu, dự cảm một cái gì đó nếu không ổn định cơ chế, ổn định những đạo lý thì con người còn vấp phải những hiểm họa khôn lường.
Hồn thơ chất chứa yêu thương
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (1942-1988) nữ thi sĩ nổi tiếng của giai đoạn thơ ca chống Mỹ cứu nước. Trải qua năm tháng sống và viết, yêu thương và lao động hết mình, Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một di sản văn học đáng quý, tiêu biểu như: “Gió Lào, Cát trắng” (1974), “Lời ru trên mặt đất” (1978), “Tự hát” (1984),… và nhiều tác phẩm văn chương cho thiếu nhi như: “Cây trong phố”, “Bầu trời trong quả trứng”…
Xuân Quỳnh đã dành cho các em nhỏ một gia tài thơ như là sự kết tinh trải nhiệm của đời mình. Có một điều lạ là những câu thơ được viết ra từ ẩn ức của một đứa trẻ côi cút, sớm xa cha mất mẹ mà lại mang đậm chất trữ tình, trong sáng hết sức ngọt ngào: “Mỗi lần ôm em, mẹ yêu/Em thấy ấm ơi là ấm…”.
PGS, TS Lưu Khánh Thơ nhận xét: “Ở Xuân Quỳnh, tình yêu không bao giờ đơn thuần chỉ là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái cao quý của con người, tượng trưng cho niềm khao khát được tự hoàn thiện mình”.
Có thể nói, với Xuân Quỳnh thơ không có chỗ đứng cho tình cảm nửa vời mà luôn đầy ắp cảm xúc yêu thương con người và cuộc sống, ngay lúc chiến tranh, bom rơi đạn nổ hay khi hòa bình xây dựng đất nước. Đặc biệt là sau khi nữ thi sĩ cùng nhà thơ Lưu Quang Vũ xây dựng một gia đình mới. Đây là một bước ngoặt lớn trong đời sống cũng như đời thơ Xuân Quỳnh. Nữ thi sĩ sống chi chút hơn trong đời sống gia đình, và viết nhiều thơ về tình yêu.
Cái đáng quý nhất của thơ tình là sự chân thật, điều này thể hiện qua từng câu thơ của Xuân Quỳnh, luôn luôn nói thật, nói hết, nói đến tận cùng những tình cảm của mình, cái tình cảm vượt ra cả giới hạn sinh tử: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
Vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cũng là cặp vợ chồng văn nghệ sĩ duy nhất cho đến thời điểm này được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về văn học nghệ thuật. Nhà thơ Lưu Quang Vũ được trao tặng giải thưởng năm 2000, nhà thơ Xuân Quỳnh được trao tặng năm 2017.

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Những vần thơ sống mãi của Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ

Thứ năm, 29/8/2013, 06:08 (GMT+7)
    

Những vần thơ sống mãi của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ

Ngày 29/8/1988, vợ chồng thi sĩ tài danh bạc mệnh vĩnh viễn từ giã cõi đời, nhưng những vần thơ chở trái tim, nhiệt huyết của họ không bao giờ tắt.

Bàn tay em
Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền, rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ
Đường tít tắp, không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả
Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở...
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em
Xuân Quỳnh
Lại bắt đầu
Lại bắt đầu từ những trang giấy trắng
Lại ngọn đèn, màu mực những câu thơ
Lại nhịp đập bắt đầu, tim rạo rực
Trước biết bao nao nức với mong chờ

Một con tàu chuyển bánh ngoài ga
Làn nước mới, trời xanh và mây trắng
Ngô non mướt, bãi cát vàng đầy nắng
Như chưa hề có mùa lũ đi qua.

Như chưa hề có nỗi đau xưa
Lòng thanh thản trong tình yêu ngày mới
Một quá khứ ra đi cùng gió thổi
Thời gian trôi, ký ức sẽ phai nhoà.

Những mùa sen, mùa phượng đã xa
Trên khắp nẻo lại bắt đầu mùa cúc
Rồi hoa đào lại tươi hồng nô nức
Như chưa hề biết đến tàn phai.

Tay trong tay tôi đã bên người
Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn
Vì mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện
Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu.
Xuân Quỳnh
Thư viết cho Quỳnh trên máy bay
Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
Cô gái bướng bỉnh
Cô gái hay cười ngày xưa
Mẹ của các con anh
Một tháng nay nằm viện
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng
Một mình em với giấc ngủ chập chờn
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật
Vẫn là gã trai nông nổi của em
Người chồng đoảng của em
15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài
Người yêu ơi
Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?
Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền
Rồi em sẽ khoẻ lên
Em phải khoẻ lên
Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi
Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới
Mùa hè náo động dưới kia
Tiếng ve trong vườn nắng
Và sau đê sông Hồng nước lớn
Đỏ phập phồng như một trái tim đau
Từ nơi xa anh vội về với em
Chiếc máy bay dọc sông Hồng
Hà Nội sau những đám mây
Anh dõi tìm: đâu giữa chấm xanh nào
Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?
Trái tim anh trong ngực em rồi đó
Hãy giữ gìn cho anh
Đêm hãy mơ những giấc mơ lành
Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên
Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc
Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát
Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh...
Lưu Quang Vũ
Mây trắng đời tôi
Những ngọn lửa vô hình chưa kịp có tên
Dòng nhựa trong cây, mùa xuân trong dòng nhựa
Cơn gió ẩn sau buồm, chân trời sau biển cả
Những nhịp cầu
Nối hạt cát với ngôi sao
Bánh ăn và giấc mộng
Đưa tôi tới những bến bờ chưa tới được
Vượt khỏi mình, tôi nhập với trăm phương
Nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn
Sau đêm tối, một ban mai mới mẻ
Dẫu ngắn ngủi dẫu từng tia chớp lóe
Đủ cho anh nhìn thấy mặt em rồi
Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây, những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi
Những dòng thơ thao thức khôn nguôi
Những dòng thơ người viết cho người
Trên bãi bể thời gian, tôi viết tiếp
Những dòng thơ như móng tay day dứt
Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè
Cho kẻ xa nhà mái lá chở che
Cho ngưng lại nhịp đồng hồ quên lãng
Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn
Và ban mai trong mắt những con gà...
Lưu Quang Vũ

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

Kỉ niệm 70 nam ngày thành lập Liên hiệp các HVHNTVN


Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đón nhận Huân chương Sao vàng

Thứ Tư, 25/07/2018, 14:30:13
 Font Size:     |        Print

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
NDĐT - Sáng 25-7, tại Hà Hội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (LHCHVHNT) tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (7-1948 – 7-2018) và đón nhận Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng.
Đến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư; lãnh đạo một số địa phương, nơi LHCHVHNT Việt Nam đặt trụ sở làm việc các thời kỳ; cùng hơn 400 đại biểu, đại diện cho 40 nghìn văn nghệ sĩ cả nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gửi hoa chúc mừng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến.
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc và quý trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Nhiều văn nghệ sĩ ra mặt trận, vừa cầm bút vừa cầm súng, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ, người anh hùng. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao,... trong bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ sức tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, văn học, nghệ thuật đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, bước đầu tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại; trong đó, một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hóa về nội dung và phương thức biểu hiện...
Để hoàn thành tốt nhất vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật, Tổng Bí thư đề nghị, cần đặt hoạt động của các chuyên ngành này trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng kinh tế phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; mở rộng quan hệ đối ngoại,... nhằm tạo khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện và đồng bộ.
Giữ vị trí trung tâm và xuyên suốt trong các chủ trương lớn đó vẫn là vấn đề xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục, sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. 
Bác Hồ đã dạy: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm". Điều đó có nghĩa là, đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ "chính trị" khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay.
Để làm tốt sứ mệnh đó, LHCHVHNT Việt Nam, bao gồm các hội chuyên ngành ở T.Ư và các hội địa phương cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình cụ thể như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian, lý luận, phê bình văn nghệ để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, đồng thời tìm phương thức phù hợp để hội tụ mọi sự sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất: Nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.
Cùng với nhiệm vụ đó, các văn nghệ sĩ bàn bạc, trao đổi thẳng thắn với tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nảy sinh trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây, như: có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục, nhận thức; nặng về tô đậm mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử; tiếp thu thiếu chọn lọc sáng tác, lý luận văn nghệ nước ngoài dẫn đến biểu hiện lai căng, chuộng ngoại, bắt chước, chạy theo thời thượng? Có phải những hạn chế đó đã dẫn tới tình trạng số lượng tác phẩm, tác giả thì nhiều, nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, làm suy giảm sức hấp dẫn và sự ham say của quần chúng đối với văn học, nghệ thuật? Cần có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó?
Tổng Bí thư khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Đồng thời, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.
Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Chỉ có như vậy, mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng.
Trao đổi thêm với anh em văn nghệ sĩ trẻ, Tổng Bí thư cho rằng, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường.
Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực cả về vật chất và tinh thần để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới. Phải coi đây vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, tặng LHCHVHNT Việt Nam.
Diễn văn kỷ niệm do nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHCHVHNT Việt Nam trình bày đã nêu bật truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam.
Cách đây 70 năm, tại Chiến khu Việt Bắc, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, thực hiện chủ trương của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 25 đến 27-7-1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức với sự tham dự của 80 đại biểu trí thức văn nghệ sĩ cả nước. Hội nghị quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của LHCHVHNT Việt Nam ngày nay. Hội nghị được xem như Đại hội thành lập, mở ra một trang sử mới của lịch sử văn nghệ cách mạng Việt Nam. Trải qua chín nhiệm kỳ Đại hội, đội ngũ văn nghệ sĩ đã kề vai, sát cánh, tâm huyết, bền bỉ đồng hành cùng dân tộc, thực hiện sứ mệnh sáng tạo, truyền bá những giá trị văn học nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, 70 năm qua, các lĩnh vực chuyên ngành thuộc Liên hiệp có bước trưởng thành nhanh chóng, có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong công chúng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhìn lại 70 năm qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm là, văn nghệ sĩ phải luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích của dân tộc; kết hợp giữa lý tưởng xã hội với lý tưởng thẩm mỹ; gắn liền việc tôn trọng tự do sáng tác với trách nhiệm xã hội; kết hợp giữa tính dân tộc với tính hiện đại,…
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của văn nghệ sĩ trong thời gian tới là tập trung vào xây dựng con người, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Con người là vốn quý nhất, do đó phải xây dựng con người bằng những chất liệu quý nhất, trong đó có văn học nghệ thuật; xây dựng con người với những nội dung mới, lên án đẩy lùi cái xấu, khẳng định và cổ vũ cho cái mới tiến bộ, những tấm gương sáng nảy nở phát triển. Các hội cần đổi mới mạnh mẽ các phương thức hoạt động, phấn đấu có tác phẩm hay, đẹp, có giá trị cao, tạo ra thời đại hoàng kim mới của văn học nghệ thuật.

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Sô tay thơ : Một bài thơ hay


MỘT BÀI THƠ HAY VIẾT VỀ MẸ
      
TRỞ VỀ SAU CHIẾN TRANH
                                 Bình Nguyên
Con về sau cuộc chiến tranh
Gặp bao trang lứa đã thành đại gia
Run run mừng tủi mẹ già
Đón con nước mắt như là tiễn con

Xa nhà xuống bể lên non
Bước chân lối thẳm ốc mòn
                                            con qua
Tuổi xuân bỏ lại rừng già
Hay đâu bóng mẹ trăng tà hôm mai

Con về đã cạn đời trai
Đứng thương cánh liếp then cài gió mưa
Khói từ bếp trấu mùn cưa
Lại thơm như tựa ngày xưa mỗi chiều
Con về cà pháo canh riêu
Bát cơm mẹ nén bao điều đớn đau
Tóc con nay đã ngả màu
Tìm đâu thấy sợi trên đầu mẹ xanh

Gió mùa thổi buốt mái tranh
Thổi qua đời mẹ mà thành đời con
Tấm thân còi cọc con còn
Xin vun tuổi mẹ cho tròn trăm năm ./.
                                                   Lời bình của Lê Huy Hòa
         
Tôi đã đọc rải rác trên báo sách tạp chí hàng trăm bài thơ ( cả thơ Việt và thơ Tây) viết về người mẹ. Nhưng mãi đến năm 2001, mới có tập “ Bờ sông vẫn gió” , tuyển tập thơ về mẹ do hai nhà thơ Tuyết Nga và Chu Thị Thơm sưu tầm, tuyển chọn ( NXB Giáo dục 1999). Và gần đây có thêm tập “ Mừng tuổi mẹ” do nhà thơ Lại Hồng Khánh chủ biên ( NXB Dân trí 2017). Cả hai tập thơ nói trên các nhà thơ chỉ tuyển chọn thơ viết về mẹ. Nói chung, người tuyển chọn đã có “ con mắt xanh” nên đa số những bài thơ trong 2 tập đều hay.
          Bài thơ “ Trở về sau chiến tranh” của nhà thơ Bình Nguyên cũng là bài thơ hay viết về mẹ nhưng không có mặt trong 2 tập thơ nói trên, có lẽ do tác giả chưa cho in trên báo trước đó, hoặc sáng tác ở  thời điểm sau khi 2 tập sách đã ra đời.
          Bài thơ nói về người con ( là bộ đội) trở về sau cuộc chiến. Hoàn cảnh trở về của anh có sự may mắn là : Trở về  khi người mẹ anh vẫn còn sống. Nhiều người lính khi trở về mẹ đã mất, hoặc ngược lại, mẹ vẫn còn, vẫn đợi, nhưng các anh mãi mãi không về .
          Người con trong bài thơ của Bình Nguyên trở về trong hoàn cảnh : Con về sau cuộc chiến tranh/ Gặp bao trang lứa đã thành đại gia/ Run run mừng tủi mẹ già/ Đón con nước mắt như là tiễn con.Bạn bè trang lứa nhiều người đã thành đại gia. Còn người con của mẹ vẫn chỉ là người lính khi tuổi đã ngả chiều và sức trai đã cạn. Tuổi xuân bỏ lại rừng già/ Hay đâu bóng mẹ trăng tà hôm mai/ Con về đã cạn đời trai/ Đứng thương cánh liếp then cài gió mưa.
          Gặp lại mẹ trong hoàn cảnh ấy, mẹ càng thương anh hơn và anh lại thấy xót xa thương mẹ đến quặn lòng. Giọt nước mắt ngày xưa mẹ tiễn con đi chiến trường đã cạn, bây giờ đón con vẫn thương xót : Run run mừng tủi mẹ già/Đón con nước mắt như là tiễn con. Hai giọt nước mắt lặn qua cuộc chiến tranh tàn khốc đều mặn chát thương cảm như nhau.
          Câu thơ Bình Nguyên có sức gợi, ám ảnh người đọc khi anh chọn được những hình ảnh đầy gợi cảm : Con vè đã cạn đời trai/ Đứng thương cánh liếp then cài gió mưa. Chợt nhớ thơ Trúc Thông : Cây cau cũ, giại hiên nhà/Còn nghe gió thổi sông xa mấy lần. Và câu thơ Bình Nguyên ở những đoan sau làm ta dịu bớt nỗi xót xa, yên tâm hơn khi dấu của mẹ với những gì ngày xưa anh đã từng được mẹ chăm sóc :
                             Con về cà pháo canh riêu/
  Cho dù : Bát cơm mẹ nén bao nhiêu điều đớn đau.
          Và cho đến câu thơ cuối bài một chi tiết rất đặc trưng khi viết về mẹ mới xuất hiện, đó là mái tóc mẹ: Tóc con nay đã ngả mầu/Tìm đâu thấy sợi trên đầu mẹ xanh. Chỉ có điều là tóc mẹ bạc trắng, tóc con cũng đã ngả màu. Bao da diết thương yêu trong hai mái đầu tóc bạc.           
 Nhà thơ Phạm Đình Ân cũng có 2 câu thơ hay có ý
nghĩa tương đồng : Trải ghềnh thác tự nguồn cao/ Tóc xanh mẹ chảy cạn vào đời con.
Kết thúc bài thơ là lời cầu chúc mẹ sống trọn cõi trăm năm :
                   Tấm thân còi cọt con còn
           Xin vun tuổi mẹ cho tròn trăm năm.
       Tứ thơ không mới, nhưng Bình Nguyên đã biết chọn một“tình huống thơ” riêng , có nhiều điều để nói và những
điều đó là tâm trạng của hai con người  ( mẹ và con) đã tạo được sự đồng cảm,thương yêu và chia sẻ.
        Tôi biết nhà thơ Bình Nguyên viết bài thơ này từ  hoàn cảnh thực của anh. Anh từng là người lính trở về và người mẹ trong bài thơ chính là mẹ anh.Có lẽ vậy mà bài thơ có sức rung động rất sâu đậm.
                      Trích báo Văn Nghệ số 23 ( 9/6/2018)-Lê Hùng



                  
          
 

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Báo Tiền phong phỏng vấn NS-NB Bành Thông





Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam:Tôi sắp xuất bản tập thơ đầu tiên

TP - Chủ tịch CLB Thơ Bành Thông có dáng dấp cao to với mái tóc bạc thả dài vuốt mượt ra phía sau, khuôn miệng điều điệu của người khéo ăn nói, dễ dàng cuốn người đối diện vào những câu chuyện của mình.

Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam:Tôi sắp xuất bản tập thơ đầu tiên

Vào đúng ngày nóng nhất của mùa hè Hà Nội, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam hẹn chúng tôi đến trụ sở làm việc tại Trung tâm văn hóa TP Hà Nội (số 4 Phùng Hưng, Q. Hà Đông, HN).
Không quá khó để tìm, vì ngay ngoài Trung tâm văn hóa, một tấm bảng khá to trưng ở phía bên phải cổng chính: “Câu lạc bộ Thơ Việt Nam”. Văn phòng được đặt trên tầng hai, rộng chừng 20 mét vuông, kê ba bàn làm việc và một bàn tiếp khách, chỉ có một chiếc máy tính duy nhất dành cho văn thư.
Tất cả trang thiết bị đều được phủ “màu thời gian”, xỉn màu và khấp khểnh. Những người làm việc tại đây cũng đều khá già. Nhưng những bức tường vôi cũ lại bừng sáng lên nhờ sự lấp lánh của các loại bằng khen, kỷ niệm chương, bức trướng…
Bành Thông
Bành Thông.
Trên tấm cardvisit in kín cả hai mặt, thể hiện chức danh đang nắm giữ và sáu hội chuyên ngành tham gia sinh hoạt (Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số…), không có dòng nào ghi Chủ tịch CLB Thơ là nhà thơ, mà chỉ khiêm tốn đề: “nghệ sĩ - nhà báo Bành Thông”.
 “Đã là sân chơi thì chân giày chân đất đều được đá. Chính vì thế, tôi không lấy tiêu chí văn học làm đầu. Cứ có nhân cách tốt, có tâm hồn thơ là kết nạp”. 
Ông Bành Thông -
Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam
Giải thích về việc làm chủ tịch một CLB có gần 8.000 người làm thơ mà chính mình lại chưa có tập thơ riêng nào, ông Bành Thông tự tin: “Vấn đề ở đây không phải là tài năng chuyên môn mà là khả năng quản lý. Lãnh đạo một lúc gần 8.000 hội viên trải khắp 63 tỉnh thành đâu có phải chuyện chơi. Vả lại, tôi vốn là một nghệ sĩ sân khấu chuyên viết kịch bản chèo, kịch nói, cải lương… thì trong kịch của tôi đã đầy chất thơ rồi”.
Ông Bành Thông cũng không hề bối rối khi được hỏi lại: “…Và trong thơ của ông thì đầy tính kịch?” “Tất nhiên. Thơ của người chuyên viết kịch là phải có kịch tính, lớp lang, có thắt nút cao trào. Đây, để tôi đọc cho các bạn nghe bài thơ mới nhất đăng trên thi san “Người yêu thơ” nhé”.
…Chủ tịch CLB Thơ đọc đến khúc cao trào của bài thơ thì có khách, đó là một người yêu thơ muốn đăng chùm tác phẩm lên thi san. Chánh văn phòng CLB Thơ Vũ Dương Tá ngồi chiếc bàn phía sau được chủ tịch ra hiệu làm việc với khách hàng.
Sau vài câu thương lượng không thành, khách có vẻ mất kiên nhẫn nên hơi to tiếng: “In có ba bài thơ mà phải mua 50 cuốn thì chết à?”. Chủ tịch Bành Thông kết thúc bài thơ, quay lại phía khách thơ, bình tĩnh phân tích: “Đây nhé, ông thử tính xem, mỗi cuốn 15.000 (đồng), bỏ ra có mấy trăm nghìn mà được in thơ, in ảnh chân dung góc trang, in cả thông tin tác giả trang trọng thế này. Có chỗ nào giá rẻ hơn ở đây không? Ông muốn quảng cáo thì phải đầu tư chứ”.
Nghe ra, người khách gật đầu đồng ý sẽ mua 30 cuốn sau khi thơ được in. Chúng tôi được biết thêm, CLB Thơ có hai thi san xuất bản xen kẽ nhau theo tháng chẵn, lẻ nhưng được phân theo tiêu chí đại trà và tinh tuyển: “Hương đất Việt” dày gần 600 trang, mỗi lần in giới thiệu khoảng 500 tác giả hội viên CLB.
In ở đây sẽ không được nhận nhuận bút và được khuyến khích mua ấn phẩm; “Người yêu thơ” gần 60 trang, tác giả có bài in trên đó “được trả nhuận bút theo chất lượng từng bài” - Ông Bành Thông cho biết.
Nói đến chuyện phát hành các ấn phẩm của CLB, cựu nhà báo Bành Thông kể lại một kinh nghiệm khi còn công tác tại báo Văn nghệ Hòa Bình: “Ngày đó tôi gửi báo về các xã, huyện của tỉnh, mỗi tờ kèm theo một công văn mời mua báo, trong đó ghi rõ “Nếu không mua đề nghị có công văn trả lời”.
Không thấy có công văn nào trả lời, thế là hàng tháng tôi cứ cho người gửi báo về, sau 6 tháng ra kho bạc của tỉnh nhờ nhân viên ở đó thu giúp tiền bán báo từ các xã, trích lại cho họ 5%, xong. Rất nhẹ nhàng”.
Dường như hiểu thắc mắc của chúng tôi khi nhìn vào góc phòng ngồn ngộn những thùng các tông đựng đầy thi san chất cao đến lưng tường, ông giãi bày: “Có những tác giả ở các tỉnh xa không biết mình có thơ in trên này nên chưa kịp mua. Trước đây ai in thơ cũng đều mua vài ba chục cuốn, nay ít dần đi, họ chỉ mua 1 - 2 cuốn giữ lại thôi. Vả lại người làm công tác phát ít quá thành ra mới đọng lại thế này”.
Quay lại câu chuyện thành lập, chủ tịch Bành Thông hào hứng cho biết, CLB Thơ ra đời vào ngày 17/6/2006, đại hội được tổ chức linh đình giữa trung tâm thủ đô đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Ngay sau đó, số lượng đơn xin gia nhập tăng lên đến con số hàng nghìn. Hiện nay để quản lý và điều hành 7.966 hội viên, CLB Thơ đã bầu ra 47 ủy viên Ban chấp hành. Kỷ niệm 7 năm thành lập, dự kiến ngày 17/6/2013 sắp tới, chủ tịch CLB sẽ trao quyết định kết nạp và thẻ hội viên thứ 8.000.
Không để chúng tôi trôi hết ý nghĩ theo câu đúc kết của người xưa: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, Ông Bành Thông hạ bàn tay xuống cuốn thi san: “Tôi biết các bạn băn khoăn về hồ tinh hồ đa, nhưng con số 8.000 chưa nói lên điều gì cả, bởi vì tôi đang tạo dựng một sân chơi cho niềm đam mê. Mà đã là sân chơi thì chân giày chân đất đều được đá. Chính vì thế, tôi không lấy tiêu chí văn học làm đầu, sân chơi này chỉ căn cứ vào nhân cách chứ không phải tác phẩm. Cứ có nhân cách tốt, có tâm hồn thơ là kết nạp. Còn nói đến tính chuyên nghiệp, thơ làm gì có chuyên nghiệp và nghiệp dư, thơ chỉ có duy nhất là lòng say mê. Nói chuyện làm thơ chuyên nghiệp, nghĩa là bài sau luôn phải hay hơn bài trước, thế thì ngay cả thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, tôi thách cả 1 tỷ đồng liệu có làm được một bài thơ hay nào nữa không?”.
Giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của một CLB có gần 8.000 người làm thơ, mà chính chủ tịch lại chưa có tập thơ nào cũng là điều ông Bành Thông phải suy tư: “Sắp tới tôi sẽ ra một tập thơ 18 bài.” “18 bài? Vậy là tập thơ siêu mỏng? Hay mỗi bài thơ của ông đều dài đến trăm câu?” Thắc mắc đó được trả lời ngay: “Mỗi bài thơ của tôi in kèm theo một bài bình.
Thơ tôi rất đặc biệt, vì đây là thơ của người làm sân khấu nên phải có lời bình mới thấy hết cái hay của lớp lang, kịch tính trong đó. Tôi đã có hai tập kịch bản, mà toàn là những kịch giành được giải thưởng, huy chương, nhiều người chú ý lắm. Vì thế mà bây giờ tôi ra tập thơ cũng sẽ có rất nhiều người “soi” xem chủ tịch một CLB lớn như vậy thì thơ phú ra sao.
Tôi bỏ hết những bài thơ tổng kết, báo cáo thành tích, thơ vận động sản xuất, chăn nuôi… dù có những bài sáng tác tại chỗ và được thưởng “nóng” 100 đồng (thời giá những năm 80 thế kỷ trước), mà chỉ chọn lại bài nào mình thật tâm đắc, và được bạn thơ đồng cảm viết bài bình mới in vào tập”.
…Đúng vào sáng Chủ nhật, ngày 16/6/2013, CLB Thơ Việt Nam tổ chức họp Ban Chấp hành mở rộng và kỷ niệm 7 năm ngày thành lập tại Bảo tàng Phòng không – Không quân (171 đường Trường Chinh, Hà Nội).
Chủ tịch CLB Thơ Bành Thông chia sẻ: “Kỳ này chúng tôi chỉ tổ chức họp BCH mở rộng tại Thủ đô, còn lễ kỷ niệm đúng ngày thành lập (17/6) sẽ được tổ chức ở từng địa phương. Nếu mời rộng rãi như mọi năm thì lên đến 700 người…”
Vậy là so với các năm trước đây, quy mô tổ chức lễ kỷ niệm có phần thu nhỏ lại khá nhiều. Năm nay, ngoài 150 đại biểu là các ủy viên BCH, lãnh đạo CLB Thơ Việt Nam các tỉnh thành trong cả nước, chỉ có những khách mời dành nhiều tình cảm, đặc biệt quan tâm đến CLB Thơ, có niềm say mê làm thơ và yêu thích đọc thơ.
Vất vả chờ được… quản lý
Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam:Tôi sắp xuất bản tập thơ đầu tiên - ảnh 2

Một điều độc đáo của CLB Thơ là kết nạp quanh năm chứ không có “mùa” như các hội chuyên ngành. “Tại sao lại phải hoãn cái sự sung sướng của người ta lại?” - Ông Bành Thông nói - “Tôi phân cấp cho các lãnh đạo cơ sở tự thẩm định về tư cách đạo đức của ứng viên, chỉ cần có một hội viên cũ giới thiệu, làm đơn theo mẫu CLB cấp và nộp kèm mấy bài thơ, mỗi đợt gom khoảng chục người gửi lên đây là tôi ký quyết định, làm thẻ gửi về ngay.
Người ta đang say mê như thế, đang khao khát như thế thì mình phải làm nhanh cho họ sướng. Có tháng phải kết nạp 2 đến 3 đợt ấy chứ”. Trong lúc trò chuyện, chủ tịch CLB vẫn luôn tay kí quyết định trao bằng khen, kỷ niệm chương tặng các cá nhân, tập thể có đóng góp cho sự phát triển của thơ CLB.
Trên tường, tấm bảng ghi kế hoạch làm việc chi chít những dòng nhắc việc: Trao bằng khen cho Trung tâm chăm sóc sức khỏe nhà thơ (Về Trung tâm này, cũng hứa hẹn những điều thú vị, chúng tôi xin hầu bạn đọc vào một dịp khác) – PV); Dự tổng kết; Sinh hoạt thơ + trao cờ thi đua cho CLB…
Ông Bành Thông lấy ra một tấm bằng khen (đúng là tấm, vì đó là một bản gỗ khổ 35x55cm được mạ màu vàng, trang trí hoa văn dập nổi cầu ký), trên đó ghi tên một nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện đang sống tại Vĩnh Phúc.
Theo lời ông chủ tịch, tính đến nay có 18 hội viên CLB Thơ là hội viên hội Nhà văn VN. “18/8.000 hội viên là con số quá ít ỏi. Chúng tôi rất muốn Hội Nhà văn Việt Nam nhận CLB Thơ về thành mảng phong trào. Phong trào cần thiết lắm chứ. Có phong trào thì mới có chuyên nghiệp. Các bạn xem trong thể thao đấy, ngoài các vận động viên chuyên đi thi đấu thì ai chả có quyền tập thể dục, chơi thể thao” – ông chép miệng – “Vậy mà chạy lên chạy xuống mấy năm nay Hội Nhà văn vẫn không đồng ý, chỉ mời tham gia Ngày thơ ở Văn Miếu.
Năm 2007, CLB chúng tôi còn bị một vị ủy viên Ban Chấp hành kiên quyết không đồng ý cho tham gia Ngày thơ. Mấy năm gần đây, sân thơ Văn Miếu chủ yếu là hội viên CLB Thơ đến tham dự mới đông đúc như thế, chứ nếu chỉ riêng hội viên Hội Nhà văn thì được mấy chục người.
Vừa rồi tôi đã làm công văn xin Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho một bộ phận nào đó đứng ra quản lí CLB Thơ, phòng Văn hóa cơ sở ở tỉnh chẳng hạn. Nhưng vẫn gặp phải những khó khăn, chả hiểu còn vướng mắc gì. Chúng tôi vẫn đang chờ sự chỉ đạo để được quản lý…”
PHONG LANKết quả hình ảnh cho câu lac bộ thơ việt nam