Tôi nghĩ đây là một ý tưởng tốt đẹp, giàu nhân ái, chắc chắn sẽ được mọi
người ủng hộ và tán đồng.
Bởi lẽ, trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, biết bao chiến sĩ ta đã nêu
cao tấm gương hy sinh dũng cảm, kiên cường. Họ cũng là những con người, có những
vui - buồn - nhớ nhung - dằn vặt và những mong ước bình dị như tất cả mọi người.
Chính cái điều giản dị, rất đời thường đó, tạo nên vẻ đẹp của cuộc sống, khiến
họ có động cơ, mục đích rõ ràng khi chiến đấu thực diện với kẻ thù. Và đó cũng
là phẩm chất của mỗi con người - chiến sĩ Việt Nam.
Bởi vậy, tôi rất hoan nghênh ý tưởng tốt đẹp khi đề xuất chủ trương trên và
cũng trùng hợp với nguyện vọng ấp ủ bấy lâu của chúng tôi - một trong những gia
đình có những người con đã hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Tổ quốc, là lưu giữ
những kỷ niệm đẹp về những người thân yêu của mình...
Xin tự giới thiệu: Tôi tên là Lê Hùng, cán bộ địa chất đã nghỉ hưu. Ðịa chỉ:
Liên đoàn địa chất Xạ - hiếm, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Ðiện thoại:
04.8373843.
Bố mẹ tôi có bốn người con trai, thì ba em tham gia quân đội, đều chiến đấu ở
chiến trường miền nam, trong đó có hai em đã hy sinh (Lê Trọng Dũng và Lê Viết
Cường), còn chú út là Lê Ngọc Toàn thì bị thương và ra quân năm 1976.
Từ ngày nhận được giấy báo tử (1969 và 1974), gia đình tôi đã nén đau thương
để công tác (ông cụ là giáo viên nghỉ hưu năm 1980 và mất năm 2002). Nay mẹ tôi
đã 87 tuổi và đang sống cùng tôi ở xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Vẫn được
đồng đội cũ của hai em thường xuyên quan tâm thăm hỏi, duy trì tình nghĩa tốt
đẹp với gia đình.
Ðặc biệt trong nhiều năm, tôi đã liên hệ với các gia đình có con cùng đơn vị
và cùng hy sinh ngày 23-6-1968 với Dũng (danh sách kèm theo) và được các gia
đình nhờ cậy tiến hành tìm kiếm phần mộ các liệt sĩ. Tôi đã cùng em Toàn vào Khe
Sanh là chiến trường cuối cùng mà Dũng chiến đấu (theo thư ngày 1-6-1968), tiếp
sau là những liên hệ với các BCH Quân sự tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Trung đoàn 7,
Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục Chính sách Bộ Quốc phòng...
Rất tiếc đến nay nguyện vọng tìm các mộ liệt sĩ trên vẫn chưa thực hiện được.
Biết đâu nhờ thành tâm của đồng chí, gia đình chúng tôi tìm được mộ chí những
người thân của mình chăng? (Mộ của Cường đã được quy cập vào nghĩa trang liệt sĩ
và gia đình đã tu bổ rồi).
Một vài nét sơ bộ về các liệt sĩ: Lê Trọng Dũng, sinh năm 1945 (hy sinh ngày
23-6-1968), là một thanh niên đẹp trai, hiếu học, hiền lành. Năm 1964, sau khi
học xong trung cấp kiến trúc, đã gia nhập quân đội và phấn đấu tốt, từng là
Chiến sĩ thi đua và trở thành đảng viên. Rất chịu khó viết thư về, nhờ vậy tôi
được biết gương chiến đấu của Bùi Ngọc Dương - người cùng đơn vị Dũng. Tôi xin
trích một vài trang nhật ký và hai thư cuối cùng của Dũng.
Lê Viết Cường sinh năm 1948 (hy sinh ngày 6-8-1973), một thanh niên hăng hái,
mới qua tuổi 17 đã tình nguyện xung phong vào bộ đội năm 1965, đã trở thành đảng
viên.
Sau đây là một trong những lá thư của anh Lê Trọng Dũng:
Em Trọng Dũng
HT: 53379 KT, Quảng Trị, 1-6-1968
Anh chị kính mến!
Bút tích của liệt sĩ Lê Trọng
Dũng.
|
Tháng trước em có biên thư về, không hiểu anh chị đã nhận được chưa, mà em
không nhận được lá thư trả lời nào? Lắm lúc mong thư nhà phát khóc lên được vì
buồn.
Nơi đây với điều kiện chiến sự gay go lắm, song đối với em về tình cảm vẫn
cố gắng hết sức, để mỗi tháng gửi thư về gia đình và anh chị một lần và chưa
tháng nào mà em không giữ lời hứa đâu. Em mong thư anh chị lắm!
Có lẽ hồi này miền Bắc nhất là khu Ba mình tình hình đánh phá của địch có
hạn chế phải không anh. Vì trong này đánh mạnh mà. Quân ta đánh mạnh và ác liệt
và chiến thắng rất ròn rã. Còn tất nhiên, do chiến tranh ác liệt như vậy
thì vấn đề sinh hoạt gặp nhiều khó khăn gian khổ anh ạ.
Kể ra đời bộ đội thì khổ nhưng lắm lúc em thấy vui, có nhiều cái lý thú.
Anh tính nhé, từ ngày vào đây có được cái rau nào ăn đâu. Thèm rau hơn thèm cơm.
Em ao ước bao giờ được giải phóng trở về, phải ăn vài tháng rau cho sướng! Nơi
đây "rau" trở thành một món ăn "Thượng quý", quý lắm! Mỗi khi mà làm được món
rau tàu bay thì tuyệt tác lắm, mặc dù nó có già nhưng luộc lên vẫn đưa thêm được
dăm bảy bát cơm vào bụng một cách dễ dàng. Mà đâu có được thường xuyên như thế,
họa hoằn may mắn mới có. Ôi khi vớ được nắm khoai lang, kể cả lá già, lá non thì
đấy là một bữa tiệc. Không gì sung sướng gì bằng nữa. Anh thử tưởng tượng xem
cảnh thiếu rau khổ đến mức độ nào...
Vậy mà sau những trận sóng gió, cuộc sống lại trở nên bình thường. Vẫn lạc
quan yêu đời, vui vì hoàn thành một nhiệm vụ, vui vì đã vượt qua những gian khổ
trong công tác và cuộc sống.
Có lẽ anh chưa hình dung hết được cuộc sống của em đâu. Chỉ người nào từng
trải mới thấy được. Hơn nữa em không có khả năng để diễn tả nó trên trang giấy
này được, để ngày trở về kể anh nghe nhé!
Anh chị kính mến! Hồi này anh chị mạnh khỏe không? Công tác bình thường và
có gặp gì nhiều về khó khăn trong cuộc sống? Có hay về thăm thầy mẹ và có nhận
xét gì về gia đình?
Em chưa hiểu thầy mẹ già như thế nào, nhưng em cảm giác như già hơn trước
nhiều. Các em rất ngoan và dự đoán rằng toàn gia đình đang có nhiều bước tiến.
Em đề nghị với anh hãy đặc biệt quan tâm tới Dung, về sự học tập công tác bước
phấn đấu và cuộc sống nữa. Anh tạo mọi điều kiện cho nó được học, em sợ nó phải
bỏ học lắm.
Còn mấy đứa nhỏ cũng là khó khăn nhưng với chúng nó còn dễ giải quyết. Giờ
đây, tất cả đều trông cậy vào anh, còn chúng em đã rõ.
Lâu nay anh có được thư Cường không? Tháng trước nhận được thư nó thấy đã
vào sâu lắm đâu tận Tây Ninh hoặc còn xa hơn nữa?
Riêng em hồi này ăn ngủ được. Tất nhiên có ảnh hưởng tới sức khỏe do trận
ốm ác liệt ấy nên người xanh, gầy và còn bị già nữa. Sự chịu đựng có kém hơn
trước, hoặc ăn uống cũng bị thất thường.
Ở rừng xanh này thì thiếu đủ thứ, nhất là tình cảm. Gia đình không nói,
đôi khi còn được một vài lá thư, giữ đọc mãi cho tới lúc nhận được lá thư khác,
đến nỗi trong túi nặng trĩu vì thư, khi ấy mới đốt đi.
Bạn bè thì mất tăm, chẳng hiểu chúng nó ở đâu cả rồi và có nhớ nhau nữa
không? Về thì không được, địa chỉ, tin tức nhau thì mù tịt, thành ra bó tay và
nằm đặt tay lên trán mà tưởng tượng lại thôi.
Ở đây đôi khi gặp người đồng hương thì tha hồ "hàn thuyên". Có lẽ vì vậy
nên thèm nói, gặp đồng hương là thôi đủ chuyện, nói cho thỏa anh ạ. Kể ra lắm
lúc cũng thấy buồn cười.
Em vẫn tiếp tục bước đường phấn đấu. Bước đầu đã đạt được nguyện vọng -
hồi trung tuần tháng trước (14-5) em được kết nạp vào Ðảng rồi. Em cho rằng đó
mới chỉ là bước đầu, đã là đảng viên thì suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp của
Ðảng.
Lá thư này tới anh chị thì chắc thầy và các em đã nghỉ hè lại một cái hè
"Tất cả vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước!". Có gì mới báo tin em biết với
nhé!
Chúc anh chị khỏe, bình an. Mong thư anh chị.
Em Trọng Dũng
……………………………..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét