Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Giới thiệu tác phẩm " Chuyện của Phòm" của nhà văn Đỗ Hàn

  • 07:43 19/04/2018
  • Tác giả: PGS. TS Trần Thị Trâm

Cuốn sách tên là “Chuyện của Phòm”- một một cái tên nghe thật quê kiểng mà vô cùng bắt tai và gợi chất hourmur. Tác phẩm là tập hợp 40 truyện ngắn của LaHAN (Đỗ Hàn) đã được giả đăng rải rác trên Facebook năm 2017. Nội dung ấn phẩm xoay quanh nhân vật trung tâm Phòm, một nông dân thời @ ở cái “làng Trung du ghe ghé đồng bằng: tức là làng Cửa ao, xã Tân Tàng, Phủ Quảng” (trang 5), xưa thuộc Sơn Tây nay là Hà Nội.
Đọc từng truyện riêng lẻ trên FB đã có cảm giác thú vị nhưng khi đọc chúng một cách liền mạch, trong hệ thống, mới thấy hết cáigiá trị mà những câu chuyện nho nhỏ ấy mang lại.
Có thể nói, tác phẩm là minh chứng rõ nét cho một đặc điểm quan trọng của văn hóa thời đại toàn cầu. Đó là sự gặp gỡ giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Ở đây, tất cả những vấn đề nổi cộm của đời sống đương đại đã được tác giả gửi gắm vào hình thức truyện cười dân gian kết chuỗi kiểu Ba Giai, Tú Xuất, Trạng Lơn, Ba Phi… Sự lựa chọn ấy đã giúp cuốn sách đáp ứng được phần nào thị hiếu của công chúng thời đại công nghệ 4.0 và cơ bản đã chạm vào được yêu cầu của thị trường sách hôm nay.
Trước hết, “Chuyện của Phòm” phản ánh về đề tài nông nghiệp - nông thôn - nông dân - một khoảng trống lớn đang còn thiếu hụt đối với văn chương của một nước nông nghiệp như Việt Nam. Thứ hai, Hình thức ngắn gọn, mỗi truyện chỉ vài ba trăm chữ. Thứ ba, Giọng điệu giễu nhại vui, hài và hóm. Thứ tư, vì vốn là một tác phẩm văn học mạng thứ thiệt, mỗi truyện ngắn là một status nên tác phẩm không chỉ có tính giải trí, tính giáo dục, tính thời sự mà còn có tính dân chủ và tính tương tác rất cao.
“Chuyện của Phòm” hấp dẫn người đọc nhờ nội dung gần gụi, đời thường, thiết thực, hài hước và rất thời sự (Chao ôi - biệt phủ!!!, Làng Phòm thi hoa hậu, Ối Ôi… Bóng đá nữ, Cái ngu của Phòm). Vì Phòm là trưởng thôn mà“làm trưởng thôn là hứng trăm thứ bà rằn của công việc từ trên dội về; lại lãnh đủ mọi thứ xét nét, chăm chút của dân làng” (Trang 6) nên tất cả chỉ là truyện xảy ra trong gia đình và làng xóm của Phòm. Đó là những truyện rất đời thường như: Phòm chọn nghề cho con, dạy cháu, dạy con, chôn sổ đỏ, làm nhà, gả chồng cho con, cùng con đi du lịch; Phòm đi viện, Phòm học viết báo; hay việc trưởng thôn Phòm chỉ đạo làm một cái sân bóng đá cho thanh niên trong làng, xây hố phân tự hoại bioga, xây dựng quỹ nông thôn mới, Phòm cùng đám cán bộ xã cưỡi xe đi mừng sinh nhật sếp… Nhưng qua những câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy, bạn đọc thấm thía và cảm nhận được biết bao vấn đề lớn lao mang tầm quốc gia đại sự. Nào sự bê bối kinh niên của ngành giáo dục; nào ngành y tế lương y không như từ mẫu, nào vấn đề tham nhũng và giao thông đang trở thành quốc nạn; luật pháp bất minh; làm khoa học rởm; văn hóa, đạo đức xuống cấp, đồng tiền lên ngôi, lối sống thiếu văn minh; truyện du lịch thời mở cửa; truyện lùng nhùng của nền bóng đá nước nhà… Tất cả được soi chiếu qua con mắt hồn nhiên vô tư của một người nông dân khôn ngoan là trưởng thôn Phòm - một nhân vật tích cực thời hội nhập. Dĩ nhiên, trong cái nhìn tích cực của nhân vật, cuộc sống không chỉ đáng cười, đáng buồn mà còn có bao nhiêu điều tốt đẹp đáng trân trọng như: Cụ Tén làng Phòm tự nguyện hiến hàng ngàn mét đất để làm đường xây dựng nông thôn mới; Phòm nhất định trả lại lương nhà nước cho chức vụ trưởng thôn; con gái Phòm kịp thời lấy chiếc mũ hứng trọn đám sái thuốc lào Phòm bắn ra giữa sân bay quốc tế nước bạn… Chúng làm ta thêm tin yêu cuộc sống, tin vào lớp trẻ hôm nay.
Nhân vật Phòm khá sinh động, đa tính cách. Đâu chỉ có cái tận tụy của người trưởng thôn trong Phim Truyền hình cùng tên (do Quốc Tuấn thủ vai), cái lõi đời của Tuy Kiền trong tác phẩm Tầm nhìn xa (Nguyễn Khải), Phòm là kiểu mô hình con người kinh tế, con người cá nhân của thời đại @: năng động, thực tế, biết lo việc chung một cách hiệu quả, biết lo việc nhà chu đáo và còn dám mơ ước ra biển lớn (Phòm đi dự hội nghị quốc tế). Phòm được bầu làm trưởng thôn đến mấy khóa liền tù tìmàhoàn toàn do dân cử, “dân tin và công việc cứ hơ hớ mà làmChỉ với lối suy nghĩ vừa củ chuối, vừa hiện đại, lối ứng xử vừa ngang tàng vừa chân chất của anh ta mà mọi việc cứ nhẹ như tên bay đạn lướt (trang 6).
Mặt khác, người đọc rất khoái “Chuyện của Phòm” vì cái không khí vui vẻ, hài hóm được toát ra từ mỗi tình tiết đắt giá và thái độ phê phán nhẹ nhàng, khách quan không hề lên giọng giáo huấn mà cứ để tự bản thân sự việc lên tiếng của LaHAN. Qua tiếng cười - sự tỏa sáng của trí tuệ, dầu bôi trơn của ngôn ngữ, nhiều bạn đọc thông minh có thể dễ dàng rút ra bài học để thay đổi chính mình.
Mà xưa nay ở nước ta, tiếng cười vốn ít xuất hiện trong các tác phẩm văn chương, nhất là văn chương chính thống. Trong khi, phần lớn bạn đọc hôm nay đều muốn văn chương phải vui, dễ hiểu và giàu chất trí tuệ. Khảo sát “Chuyện của Phòm”, ta thấy: Nghệ thuật giễu nhại được tác giả sử dụng khá tinh tế, vừa đủ để tạo nên tiếng cười và hấp lực cho người thưởng thức. Chính sự kết hợp giữa ưu thế của dân gian và bác học đã làm cho mỗi câu chuyện của LaHAN không chỉ vui vẻ mà luôn anh ánh lên chất trí tuệ. Dĩ nhiên tùy từng đối tượng bạn đọc mà tiếng cười sẽ đạt hiệu quả khác nhau, có thể ở người này chỉ là giải trí nhưng ở người khác lại gơi mở những lớp nghĩa sâu xa.
“Chuyện của Phòm” là những truyện cười toàn tòng. Sự hài hước toát ra từ ngay những cái tên. Tên tác phẩm: Cảnh báo, Cảnh báo! SOS! Đẹp lắm đời ơi! Tên nhân vật: Phòm, Phếm, Phộm, Sèng, Tẽn, Tén, Tõ, Túm... Tên nhà hàng: Két Ú… Những cái tên chỉ cần đọc lên đã thấy buồn cười.
Hài toát ra từ những tình huống truyện và cách mở nút truyện bất ngờ khi bạn đọc chứng kiến Phòm giải quyết mọi vấn đề đao to búa lớn một cách rất nhẹ nhàng và vô cùng thực tế.
Hài ở giọng văn khách quan, mà phần nhiều là giả khách quan. Ví dụ: Tả điệu bộ bà Phó chủ tịch huyện lấy việc công làm việc tư: “Bà phó chủ tịch huyện cười rõ tươi. Hở bộ răng hô nhưng lợi đỏ không hở và không thô” (Cái ngu của Phòm), giữa sân bay Singapor hiện đại: Phòm rít một hơi thuốc lào đến tọt nõ điếu, trợn mắt định hỉ đám sái thuốc ra sàn để làm một điếu nữa (Phòm đi du lịch)… Rồi biết bao truyện nhiêu khê, vô lý chéo ngoe: Phòm lại được chỉ định làm hội thẩm nhân dân trong khi “Phòm có hiểu luật lệ kéo gì đâu mà được làm hội thẩm nhân dân, được ngồi nghị án” (Phòm làm hội thẩm nhân dân), Phòm không phải là đảng viên mà khi làm nhà vẫn phải báo cáo bác bí thư chi bộ (Phòm làm nhà)…
 Hài ở ngôn từ, ở cách nói bỗ bã, pha trộn giữa ngôn ngữ nhà quê: Hóng hóng, liền tù tì, đéc cần, củ kiệc, củ đùi, củ bẹn… với lớp từ đời mới kiểu giả cầy: Bô-lô- giô, Đô- nan- Trăm, ok, ok, bó tay chấm com… Thậm chí Phòm thường xuyên nói tục mà không ngại bất nhã. Rồi thỉnh thoảng lại chêm vào những câu văn vần, kiểu: “Lên Yên Bái đi đái cũng run”, “Một giọt mủ vàng hơn cang nước cống”, “Người ơi xin hãy yêu người/ Để tình yêu lại nảy nói… tình yêu!!!, “Chim khôn khôn cả cái lông/Khôn đến đáy lồng… người xách cũng khôn…” Và chính đám ngôn từ lôm nhôm, xù xì đó lại mang hơi thở của làng quê đương đại nên đã tích cực góp phần làm nên sức sống cho tác phẩm.
Phải nói rằng, qua những câu chuyện điển hình được rút ra từ cuộc sống hàng ngày (chạy việc, dạy học xa rời thực tế, máy móc bắt giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm; bội thực các cuộc thi hoa hậu, đại gia chân dài lừa đảo tình tiền, các quan xây biệt phủ, mọi người vô cảm, làm gì cũng chỉ cốt lấy lợi cho mình, lối sống thiếu văn minh …), tác giả đã gửi đến bạn đọc những thông điệp không kém phần sâu sắc: Làm nông cho giỏi cũng là một nghề quý đấy, Người ơi! xin hãy yêu người… Đồng thời đưa ra những cảnh báo xã hội; thức tỉnh trách nhiệm công dân ở mỗi con người: “Chúng mày làm thế là nối giáo cho giặc- đến thằng ăn cắp nó cũng lợi dụng để tham nhũng” (Cha con Phòm bắt trộm) và ít nhiều cũng mang tính chất dự báo về khát vọng vươn ra biển lớn của những người nông dân mới (Phòm đi dự hội nghị quốc tế)…
Thực tiễn và sự mách bảo của con tim chân tình đầy nhiệt huyết đã giúp Phòm sáng suốt để giải quyết ngon ơ tất cả những điều nhức nhối đang đặt ra với những người dân làng Cửa Ao của Phòm. Phòm của LaHAN có vẻ không giống ai, lạ mà quen. Có lẽ do kinh nghiệm rút ra sau nhiều năm làm Chánh Văn phòng của Hội Nhà văn Việt Nam, cộng với sự nỗ lực không ngừng, tác giả “Chuyện của Phòm” đã tìm ra được một hướng đi mới cho ngòi bút của mình, đã góp phần đưa văn học áp sát hơn với đời sống đương đại.
Nguồn Văn nghệ số 15/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét